Hội nghị thượng đỉnh EU: Hợp tác nội khối và quyết sách đối ngoại

Hội nghị thượng đỉnh EU cuối cùng của năm 2016 sẽ xem xét những vấn đề cấp bách nhất như người di cư, chiến lược an ninh, tăng trưởng kinh tế, Brexit, lệnh trừng phạt kinh tế Nga.
Hội nghị thượng đỉnh EU: Hợp tác nội khối và quyết sách đối ngoại ảnh 1Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), diễn ra ngày 15/12 tại Brussels - Vương quốc Bỉ, sẽ tập trung xem xét những vấn đề cấp bách nhất liên quan đến chính sách nội khối như các biện pháp giải quyết áp lực người di cư, chiến lược an ninh, tăng trưởng kinh tế, việc làm cho thanh niên, Anh rời khỏi EU (hay gọi là Brexit) và trong chính sách đối ngoại sẽ đưa ra quyết định về việc gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của năm 2016 diễn ra trong bối cảnh EU đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề người di cư, vốn gây áp lực căng thẳng lên "lục địa già" kể từ năm 2015, một phần nhờ vào thỏa thuận ký với Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3 vừa qua.

Trong hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo EU sẽ xem xét việc thực thi thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù quan hệ hai bên đã trở nên căng thẳng kể từ sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng Bảy vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên cạnh đó, EU cũng đánh giá những tiến bộ đạt được liên quan đến loạt hiệp định ký kết với các nước châu Phi về việc giải quyết thực trạng người di cư xuất phát từ khu vực này.

Liên minh sẽ tập trung vào kế hoạch đầu tư ra bên ngoài châu Âu để mong muốn giải quyết tận gốc áp lực di cư và kêu gọi nhanh chóng thông qua kế hoạch này nhằm tăng cường việc thực hiện Kế hoạch hành động Valette (Malta).

Các nhà lãnh đạo sẽ xem xét cải cách chính sách tị nạn chung của châu Âu và cách thức áp dụng trong tương lai trên nguyên tắc trách nhiệm và đoàn kết.

Hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ là dịp để các nước EU tái khẳng định cam kết của mình đối với chiến lược an ninh nội khối. Lãnh đạo các nước EU sẽ đề cập đến vấn đề tăng cường hợp tác EU trên lĩnh vực an ninh và quốc phòng với ba ưu tiên chính gồm chiến lược an ninh-quốc phòng chung, kế hoạch hành động về quốc phòng và triển khai đồng bộ các đề xuất được nêu trong Tuyên bố chung EU-NATO được ký kết hồi tháng 7 vừa qua tại Ba Lan.

Liên quan vấn đề kinh tế, phát triển xã hội và thanh niên, lãnh đạo các quốc gia EU sẽ tổng kết các thành tựu trong các lĩnh vực như đầu tư, chiến lược về thị trường chung duy nhất hay sáng kiến chống thất nghiệp trong giới trẻ.

Năm 2016, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên EU đã giảm 10%. Về chính sách đối ngoại, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ đưa ra quan điểm cuối cùng về Hiệp định liên kết EU-Ukraine nhằm mở đường cho việc phê chuẩn văn bản này.

Thỏa thuận này được cho là sẽ giúp tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa về kinh tế và chính trị giữa EU với Ukraine.

Cũng tại phiên họp này, Tổng thống Pháp, ông François Hollande và Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel sẽ trình bày với lãnh đạo các nước EU về việc thực thi thỏa thuận Minsk về giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraina và tình hình cuộc xung đột tại Syria. Sau đó EU sẽ quyết định có gia hạn hoặc bổ sung lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nga hay không.

Cuối cùng, sẽ diễn ra cuộc họp không chính thức bên lề hội nghị của 27 nhà lãnh đạo các nước EU nhằm xác định phương thức hành động của 27 nước sẽ áp dụng cho tiến trình Brexit sau khi nước Anh thông báo kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.