Hội nghị thượng đỉnh EU: Liệu có tìm ra giải pháp cho các vấn đề nóng?

Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ tập trung vào một loạt các vấn đề cấp bách như người di cư, cải tổ Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) hay đàm phán Brexit.
Hội nghị thượng đỉnh EU: Liệu có tìm ra giải pháp cho các vấn đề nóng? ảnh 1Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ bàn về các vấn đề cấp bách. (Nguồn: The National)

Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 28/6 tại Brussels, Bỉ và kéo dài hết 29/6 sẽ tập trung vào một loạt các vấn đề đều trong tình trạng cấp bách như người di cư, cải tổ Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), tiến trình đàm phán Brexit cũng như Ngân sách dài hạn của EU.

Vấn đề người di cư sẽ là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh lần này. Sau cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015, đến nay tình hình đã thay đổi nhiều vì EU đã tập trung tất cả nỗ lực để ngăn chặn làn sóng di cư vào châu Âu. Kết quả là số người nhập cư trái phép qua biên giới EU đã giảm 96% so với thời điểm Hội nghị thượng đỉnh tháng 10/2015. Điều đó cũng cho thấy EU cần tiếp tục các biện pháp đã có và sẵn sàng đưa ra các nỗ lực bổ sung.

Tại Hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận đề xuất thành lập các khu vực cập bến ngoài châu Âu, bố trí trong ngân sách dài hạn sắp tới của EU một khoản tài chính dành cho chống nhập cư trái phép, mở rộng hợp tác với các quốc gia quê hương của người di cư hay các nước trung chuyển, và đặc biệt là hỗ trợ đối với lực lượng biên phòng của Libya để họ có nguồn lực cần thiết để thực hiện kiểm soát đầy đủ vùng biển nước này.

Các nhà lãnh đạo cũng sẽ kêu gọi các nước thành viên đưa ra các biện pháp để chống làn sóng thứ cấp dịch chuyển người di cư trong EU, vấn đề đang là trung tâm tranh luận chính trị tại Đức. Việc tìm ra các thỏa thuận song phương và đa phương là mong muốn của Thủ tướng Đức Angela Merkel để có thể giải quyết sức ép của chính phủ liên minh yêu cầu bà ngăn chặn dòng người nhập cư thứ cấp.


[Thủ tướng Đức: Khủng hoảng di cư có thể quyết định số phận châu Âu]

Ngoài vấn đề nhập cư, các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về cải tổ Liên minh kinh tế và tiền tệ. Như kế hoạch dự kiến vào tháng 12 vừa qua, Hội nghị tháng Sáu này sẽ đưa ra những quyết định đầu tiên về việc hoàn thành liên minh ngân hàng và củng cố Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM). Đây là các bước quan trọng sẽ giúp tăng cường sức mạnh không chỉ cho khu vực đồng tiền chung mà còn cả EU.

Tuyên bố Pháp-Đức mới đây tại Meseberg (Đức) mang lại một sự khởi sắc với những đóng góp quan trọng cho tiến trình cải tổ châu Âu. Theo thông báo của Thủ tướng Đức Merkel, việc xây dựng ngân sách chung cho Eurozone sẽ đi theo hướng cải thiện và nâng cao vai trò của ESM, biến đây trở thành một cơ chế hoạt động dạng như Quỹ Tiền tệ châu Âu. Chủ đề này sẽ chính thức được bàn thảo trong Hội nghị thượng đỉnh tại Brussels với lộ trình đặt ra là đến năm 2021, 19 nền kinh tế trong Eurozone sẽ chính thức có một ngân sách chung.

Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng sẽ phải thảo luận về việc nước Anh rời khỏi EU, gọi là Brexit. Làm việc với Trưởng đoàn đàm phán châu Âu Michel Barnier, các lãnh đạo sẽ xem xét những tiến bộ trong đàm phán với Anh và thông qua kết luận về vòng đàm phán vừa qua.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg sẽ có một cuộc gặp ngắn các nhà lãnh đạo của EU và dự kiến đưa ra quyết định về an ninh và hợp tác quốc phòng để gửi đi một thông điệp tích cực về các vấn đề quân sự trước hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra vào tháng Bảy tại Brussels.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Emmanuel cũng sẽ trình bày một báo cáo về kết quả thực thi hiệp định Minsk để giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk trong thư gửi các lãnh đạo trước thềm Hội nghị đã kêu gọi họ cần quan tâm đến bối cảnh địa chính trị đã diễn ra sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tại Canada. Ông Tusk cho biết bất chấp các nỗ lực không ngừng nghỉ của EU để gìn giữ sự thống nhất của phương Tây, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang bị đặt dưới sức ép chính trị to lớn của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chủ tịch Donald Tusk cho rằng mâu thuẫn hiện đang vượt qua cả vấn đề thương mại và EU phải chuẩn bị sẵn sàng cho những kịch bản xấu nhất có thể xảy đến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.