Hội nghị về Libya đưa ra 5 đề xuất nhằm chấm dứt khủng hoảng

Hội nghị về Libya đã ra một tuyên bố về các nguyên tắc và năm đề xuất sửa đổi một thỏa thuận do Liên hợp quốc nhằm mục đích thành lập một chính phủ đoàn kết tại quốc gia Bắc Phi này.
Lực lượng trung thành với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya đóng quân tại thành phố Sirte. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 14/12, sau hai ngày nhóm họp tại Cairo (Ai Cập), hội nghị quy tụ sự tham gia của đại diện chính phủ Libya và các phe phái đối lập đã ra một tuyên bố về các nguyên tắc và năm đề xuất sửa đổi một thỏa thuận do Liên hợp quốc hậu thuẫn đưa ra năm 2015, nhằm mục đích thành lập một chính phủ đoàn kết tại quốc gia Bắc Phi này.

Theo tuyên bố bế mạc, các bên khẳng định có bốn nguyên tắc chính cần phải được đảm bảo trong quá trình chuyển tiếp chính trị tại Libya: đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ Libya, hỗ trợ cho các tổ chức nhà nước, nước ngoài không được can dự vào công việc nội bộ của Libya và duy trì một nhà nước dân sự.

Sau khi thảo luận về những diễn biến mới nhất trong tình hình chính trị tại Libya kể từ năm 2014, các đại biểu tham gia hội nghị đã đưa ra năm đề xuất nhằm sửa đổi thỏa thuận do Liên hợp quốc làm trung gian trong năm 2015, để đảm bảo sự thành công trong việc chấm dứt bạo lực và bất ổn an ninh, chính trị và kinh tế tại quốc gia Bắc Phi này. Các đề xuất bao gồm cải tổ bộ máy của Ủy ban đối thoại quốc gia Libya (LNDC) nhằm cân bằng lợi ích của tất cả các phe phái tại nước này; sửa đổi quyền hành của Tổng tham mưu trưởng quân đội Libya được nêu trong điều 8 của thỏa thuận năm 2015; bảo đảm tính độc lập của quân đội Libya như một lực lượng phi đảng phái, phi chính trị; cải cách Hội đồng Nhà nước Libya có sự tham gia của các thành viên của Đại hội nhân dân toàn quốc (GNC); tái cơ cấu Hội đồng Tổng thống Libya và hệ thống ra quyết định.

Bên cạnh đó, đại diện chính phủ và các phe phái tại Libya đã kêu gọi LNDC và Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) tổ chức một cuộc họp trong vòng hai tuần tới nhằm thảo luận về các đề xuất tại hội nghị này và đưa ra giải pháp có thể nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia Bắc Phi này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục