Hội nghị WEF 2018 hướng tới hợp tác quốc tế vì lợi ích chung

Hội nghị thường niên WEF sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 26/1 tại Davos, Thụy Sĩ, quy tụ một số lượng kỷ lục các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế...
(Nguồn: Robohub)

Phát biểu tại họp báo ngày 16/1 trước thềm Hội nghị thường niên lần thứ 48 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ), giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập đồng thời là Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhấn mạnh thế giới đang bị rạn nứt bởi sự cạnh tranh gia tăng giữa các quốc gia và sự chia rẽ sâu sắc trong các xã hội, do vậy sự hợp tác và hài hòa các lợi ích đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Ông Klaus Schwab cho rằng Hội nghị Davos lần này sẽ giúp vượt qua những rạn nứt nói trên với việc tái khẳng định lợi ích chung của các quốc gia và đảm bảo sự tuân thủ của các bên về việc giữ vững cam kết xã hội thông qua tăng trưởng bao trùm.

Cũng tại cuộc họp báo, Chủ tịch mới của WEF, cựu Ngoại trưởng Na Uy, Borge Brende, nhấn mạnh 10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới đã ghi nhận tăng trưởng trở lại, song vẫn chưa đủ “bao trùm và không tạo ra đủ công ăn việc làm."

Hội nghị thường niên WEF sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 26/1 tại Davos-Klosters (Thụy Sĩ). Sự kiện sẽ quy tụ một số lượng kỷ lục các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự, các học giả, nghệ sỹ và giới truyền thông.

Với chủ đề “Tạo dựng tương lai chung trong thế giới rạn nứt,” hội nghị sẽ là cơ hội để các đại biểu tham dự tìm kiếm cách thức tái khẳng định hợp tác quốc tế vì những lợi ích chung quan trọng như an ninh quốc tế, môi trường và kinh tế toàn cầu.

Với hơn 400 phiên họp, chương trình của diễn đàn sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực: thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, vấn đề lãnh đạo trong một thế giới đa cực và đa khái niệm, vượt qua những chia rẽ trong xã hội và tạo dựng phương thức quản trị phù hợp với sự phát triển công nghệ.

Hội nghị WEF 2018 cũng sẽ ghi nhận sự tham dự của hơn 1.900 nhà lãnh đạo khu vực kinh tế tư nhân, gần 900 lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ, đại diện giới học giả, các viện nghiên cứu, các tổ chức công đoàn lao động và tín ngưỡng, các doanh nghiệp xã hội và các cơ quan truyền thông.

Hơn 21% số người tham gia diễn đàn năm nay sẽ là những gương mặt nữ giới, một con số kỷ lục so với các kỳ hội nghị trước đây. Điều này cho thấy nỗ lực trong vấn đề bình đẳng giới và xây dựng các chiến lược nhằm giúp phụ nữ ngày càng hiện diện đông đảo hơn trong đội ngũ các nhà lãnh đạo cấp cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục