Hội thảo "Hậu COP21: Chiến lược phát triển năng lượng nào cho Việt Nam?" vừa được tổ chức tại trường Đại học Bách khoa Ense3 Grenoble-INP, tại thành phố Grenoble, Đông-Nam nước Pháp.
Hội thảo diễn ra dưới sự đồng chủ tọa của giáo sư Yves Maréchal, Giám đốc trường Đại học Ense3 Grenoble-INP và giáo sư Jean-Marie Martin-Amouroux, Giám đốc dự án Bách khoa toàn thư về năng lượng của Pháp.
Thuyết trình viên của hội thảo là giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên cố vấn của Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF), nguyên giáo sư Trường Đại học Bách khoa và Viện chính sách kinh tế năng lượng Grenoble.
Hội thảo thu hút sự tham dự đông đảo của các nhà khoa học, giảng viên đại học chuyên ngành năng lượng và các sinh viên Việt Nam và Pháp đang học tập tại trường Đại học Ense3 Grenoble-INP và một số trường đại học lân cận.
Mở đầu hội thảo, giáo sư Patrick Criqui, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS-EDDEN), đã chia sẻ những thông tin về kết quả Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) và những tác động nghiêm trọng của hiện tượng nóng lên toàn cầu đối với con người và môi trường.
Giáo sư Vincent Debusschère phụ trách phòng thí nghiệm G2Elab-Ense2 đã giới thiệu về Smartgrids (mạng lưới điện thông minh) và năng lượng tái tạo.
Các giáo sư người Pháp đã nhấn mạnh sự cần thiết phát triển năng lượng tái tạo gồm các loại năng lượng như thủy điện, gió, mặt trời, sinh khối (biomass). Yêu cầu này đặt ra ngày càng cấp bách trong bối cảnh 195 nước vừa ký kết ngày 12/12/2015 tại Paris trong khuôn khổ Hội nghị COP21 thỏa thuận lịch sử nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ Trái Đất dưới 2 độ C so với thời tiền công nghiệp.
Theo các diễn giả, năng lượng tái tạo có thể thỏa mãn được nhu cầu ngày càng tăng của thế giới với chi phí sản xuất ngày một giảm, đồng thời đóng góp vào việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu.
Tại Pháp, Luật chuyển đổi năng lượng được thông qua ngày 17/8/2015 đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 32% trong tổng tiêu thụ năng lượng và 40% sản lượng điện.
Về phần mình, giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn trích dẫn thông báo của Cơ quan năng lượng quốc tế (AIE), Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) cho biết, để thực hiện tinh thần của Hội nghị COP21, các quốc gia phải từng bước dừng các nhà máy điện chạy than cũ, dừng hỗ trợ cho năng lượng hóa thạch và đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo.
Theo giáo sư, Cơ quan môi trường và quản lý năng lượng Pháp (ADEME) cho biết đến năm 2050, năng lượng tái tạo có thể đáp ứng 100% nhu cầu điện năng của Pháp.
Ông cũng cho rằng mặc dù là quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo, nhưng cho đến nay, việc đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có.
Phân tích cụ thể các tiềm năng, giáo sư cho rằng Việt Nam có thế mạnh về phát triển năng lượng thủy điện do có hàng nghìn sông suối có tổng chiều dài lên đến 41.000km và lượng nước chảy là 850 tỷ m3 mỗi năm.
Ngoài ra, là một quốc gia nông nghiệp với khí hậu nhiệt đới, nhiều nắng, nhiều mưa và nhiều rừng nên Việt Nam cũng rất giàu về tài nguyên sinh khối.
Các tiềm năng để phát triển năng lượng gió và mặt trời cũng rất dồi dào, tuy nhiên, sản lượng điện khai thác từ các nguồn năng lượng này hiện chưa đáng kể do các rào cản liên quan tới cơ chế chính sách, trình độ áp dụng công nghệ và đặc biệt là chi phí sản xuất.
Theo giáo sư, giá thành sản xuất điện từ năng lượng tái tạo sẽ giảm dần và trong tương lai sẽ rẻ hơn các nguồn nhiên liệu hóa thạch và hạt nhân. Chính vì vậy, năng lượng tái tạo là một lựa chọn tốt nhằm đảm bảo an toàn năng lượng và sự phát triển bền vững cho tương lai./.