Xung quanh sự kiện các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp) ngày 12/12 đạt được Thỏa thuận Paris và đặt mục tiêu hạn chế mức độ biến đổi khí hậu trong những thập niên tới, hãng tin Stratfor (Mỹ) ngày 13/12 có bài bình luận cho rằng hội nghị COP21 thực chất chỉ là một phần của tiến trình quá độ lớn hơn nhiều vốn đã đang diễn ra.
Cách thức con người sử dụng năng lượng đã có sự thay đổi trải qua nhiều thế kỷ, ban đầu là dùng gỗ rồi đến than, tới dầu lửa, và hiện đã xuất hiện nhiều nguồn năng lượng mới thay thế cho dầu.
Các cuộc tranh cãi tại Paris trong gần hai tuần qua đã phản ánh nhiều vấn đề đang cản trở cộng đồng quốc tế đạt được những tiến triển trong chính sách biến đổi khí hậu. Một trong những điểm gây bất đồng lớn nhất là khoảng cách giữa các mục tiêu của các nước phát triển và cái giá mà những mục tiêu đó buộc các đối tác đang phát triển phải trả.
Các quốc gia công nghiệp hóa thường xuyên đi đầu làn sóng kêu gọi thế giới giảm bớt lượng khí thải CO2, song nhiều quốc gia đang phát triển không muốn hy sinh tăng trưởng kinh tế của mình để thực thi những sự thay đổi đó. Trong bối cảnh khả năng công nghệ còn nhiều hạn chế, cộng đồng quốc tế khó có thể thu hẹp được khoảng cách này để đáp ứng những mục tiêu của COP21 trong thời gian trước mắt.
Sự chênh lệch về phát triển cũng khiến các quốc gia khó đạt được bất kỳ thỏa thuận toàn cầu nào có tính ràng buộc và được thực thi nghiêm túc. Chẳng hạn như sự thành công của Nghị định thư Kyoto, ví dụ điển hình về một thỏa thuận quốc tế có sự ràng buộc về pháp lý nhằm giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu, có rất nhiều hạn chế một phần vì nó không áp dụng được bất kỳ chế tài nào đối với những quốc gia không đạt được chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các mô hình sử dụng năng lượng sẽ vẫn không thay đổi. Khía cạnh độc đáo nhất của các cuộc đàm phán tại Paris là từng quốc gia đều sẵn sàng đề ra những mục tiêu mà trên lý thuyết là khả thi. Thế giới xem ra đã sẵn sàng thay đổi dù cho nó có được luật quốc tế hóa hay không, và các quốc gia đã tự nguyện có những bước đi đầu tiên để tạo ra một kỷ nguyên năng lượng mới.
Tất nhiên, quá trình quá độ sang kỷ nguyên năng lượng mới sẽ kéo dài và không hề dễ dàng. Những tính toán về kinh tế, xã hội cũng như sự phát triển của các công nghệ khác sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tốc độ và hướng đi của thời kỳ quá độ. Chẳng hạn như, các hình thức lưu trữ năng lượng như pin và ắc quy đang được cải tiến để bù đắp cho việc năng lượng Mặt trời và năng lượng gió ngày càng khó cạnh tranh về giá với nhiên liệu hóa thạch.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), gần một nửa công suất năng lượng mới của toàn cầu trong năm 2014 đến từ năng lượng tái sinh. Tiến trình quá độ sắp tới thậm chí có thể còn không hướng tới một nguồn năng lượng duy nhất, mà thay vào đó sẽ cùng lúc nổi lên nhiều nguồn khác nhau, cạnh tranh thị phần lẫn nhau trên thị trường năng lượng.
Công nghệ sẽ phần nào quyết định kết quả của thời kỳ quá độ này. Những công nghệ tiết kiệm năng lượng đang gây tác động ngày càng lớn lên thị trường năng lượng. Bằng cách giảm bớt lượng năng lượng cần thiết để vận hành máy móc, các công nghệ tiết kiệm năng lượng sẽ giúp các quốc gia dễ thực hiện các mục tiêu về khí hậu hơn mà không phải hy sinh tăng trưởng kinh tế.
Dù cho các nguồn năng lượng mới trở nên thông dụng, thì dầu cũng sẽ không hoàn toàn biến mất, tương tự như than cho tới nay vẫn chưa bị triệt tiêu. Tuy nhiên, tầm quan trọng của dầu sẽ bị suy giảm, cũng như vị thế của những nước sản xuất dầu. Trong lịch sử, những khu vực sở hữu những trữ lượng dầu lớn thường chiếm vị thế nổi bật trên thế giới. Trung Đông đã là tâm điểm chú ý của quốc tế khi kỷ nguyên dầu lửa bắt đầu. Do đó, tương tự những khu vực khác của thế giới rốt cuộc sẽ thế chỗ của các quốc gia giàu dầu lửa trở thành tâm điểm của thế giới khi thị trường năng lượng thay đổi.
Và do vậy, trong bối cảnh những thay đổi chính sách ở cấp quốc gia hoặc quốc tế có thể đẩy nhanh tiến trình quá độ, thế giới đang tiến đến tương lai không phải phụ thuộc vào dầu. Xuất phát từ những quan ngại về kinh tế, an ninh năng lượng và môi trường, các quốc gia như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đang dẫn đầu những nỗ lực phát triển công nghệ. Tuy nhiên, thế giới đang phát triển, sẽ có mức tăng trưởng tiêu dùng năng lượng lớn nhất trong những thập niên tới, chưa theo kịp được. Do đó, tốc độ quá độ sẽ phụ thuộc vào tốc độ những công nghệ mới đến được với các quốc gia đang phát triển./.