Hội thi bánh chưng, bánh giầy - điểm nhấn lễ hội Côn Sơn, Kiếp Bạc

Hội thi bánh chưng, bánh giầy lần thứ IX đã diễn ra trong hai ngày (1-2/3 - tức 14 và 15 tháng Giêng năm Mậu Tuất), tại sân đá chùa Côn Sơn (Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc).
Hội thi bánh chưng, bánh giầy - điểm nhấn lễ hội Côn Sơn, Kiếp Bạc ảnh 1Thi gói bánh chưng. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Nhằm gìn giữ và bảo tồn nét đẹp văn hóa của phong tục làm bánh chưng, bánh giầy, trong hai ngày (1-2/3 - tức 14 và 15 tháng Giêng năm Mậu Tuất), tại sân đá chùa Côn Sơn (Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc) thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương tổ chức Hội thi bánh chưng, bánh giầy lần thứ IX.

Tham dự hội thi có hơn 100 nghệ nhân đến từ 12 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hải Dương; trong đó có 11 đội thi gói bánh chưng gồm thành phố Hải Dương, các huyện Nam Sách, Bình Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Cẩm Giàng, Ninh Giang, Kim Thành, Thanh Miện, Kinh Môn, thị xã Chí Linh; 5 đội thi giã bánh giầy gồm các đội Thanh Hà, Nam Sách, Kinh Môn, thành phố Hải Dương, thị xã Chí Linh.

Kết quả, ở phần thi bánh chưng, giải nhất toàn đoàn thuộc về đoàn nghệ nhân huyện Bình Giang.

Đây cũng là đơn vị đoạt giải bánh chưng đẹp nhất. Giải gói bánh chưng nhanh nhất thuộc về đội của thành phố Hải Dương; giải bánh chưng ngon nhất thuộc về đội huyện Nam Sách.

Ở phần thi bánh giầy, giải nhất toàn đoàn thuộc về đội thị xã Chí Linh. Đây cũng là đội giành giải nấu xôi giã bánh giầy nhanh nhất và bánh đẹp nhất. Giải bánh giầy ngon nhất thuộc về thành phố Hải Dương.

Là thành viên của đội thi làm bánh chưng của huyện Bình Giang, bà Đỗ Ngọc Thư, khu 4 thị trấn Kẻ Sặt (huyện Bình Giang) cho biết, vợ chồng bà năm nào cũng tham gia hội thi này.

Theo bà Thư, gói bánh chưng là nghề gia truyền 3 đời của gia đình. Bí quyết để có bánh chưng ngon, đẹp là phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố từ nguyên liệu đến kỹ thuật gói bánh.

Gạo làm bánh được chọn kỹ từng hạt và là loại nếp cái hoa vàng. Gạo được ngâm sau đó vo và đãi kỹ, để ráo nước trước khi gói. Đỗ xanh cũng được đãi kỹ rồi đồ chín; tiêu sọ nguyên hạt tự rang xay lấy. Lá gói bánh chưng phải là lá dong nếp.

Đội của huyện Bình Giang chỉ mất khoảng hơn 4 phút để gói xong 10 chiếc bánh chưng, sau đó bánh được luộc trong thời gian 8 tiếng.

Tiết lộ bí quyết nhiều năm liền giành được giải nhất phần thi làm bánh giầy, ông Đoàn Văn Biên, thành viên đội dự thi đến từ thị xã Chí Linh cho biết, loại gạo làm bánh giầy được chọn là nếp cái hoa vàng, được chọn kỹ lưỡng.

Trước khi đồ xôi, phải ngâm gạo bằng nước mưa khoảng 14 đến 15 tiếng, mỗi tiếng thay nước một lần. Khi đồ xôi, chỉ cho một lượng nước vừa phải, lửa to, khoảng 7 phút là xôi chín. Khi giã bánh giầy, phải giã thật đều tay...

Gần 10 năm nay, Hội thi bánh chưng, bánh giầy là một điểm nhấn độc đáo trong chương trình Lễ hội mùa ​Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc. Hội thi cũng là một trong những hoạt động ý nghĩa hướng về ngày giỗ Tổ Hùng Vương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Các đôi bò bứt tốc về đích. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Tưng bừng Hội đua bò Bảy Núi An Giang năm 2024

Tham gia Hội đua bò Bảy Núi năm nay có 64 đôi bò đến từ các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, thị xã Tịnh Biên (An Giang) và các đôi bò đến từ huyện Giang Thành (Kiên Giang).

Festival Thu Hà Nội 2024

Festival Thu Hà Nội 2024

Với nhiều hoạt động sôi nổi, đầy màu sắc cùng giá trị truyền thống văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của mùa Thu Hà Nội, Festival Thu Hà Nội 2024 hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.