Hơn 1.000 tỷ đồng giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu

Tỉnh Bến Tre đã chọn được 41 mô hình sản xuất trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; Trà Vinh chọn 28 mô hình sản xuất được đánh giá thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một đầm nuôi tôm công nghiệp. (Ảnh minh họa: Hà Kim/TTXVN)

Trong hai ngày 14-15/9, hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu, xác định các lĩnh vực ưu tiên nhằm xây dựng chương trình nghiên cứu thích ứng phù hợp cho Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Trà Vinh (AMD-Trà Vinh) và Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bến Tre (Dự án AMD-Bến Tre) đã diễn ra tại tỉnh Trà Vinh.

Theo ông Roshan Cooke, chuyên gia kỹ thuật về môi trường và biến đổi khí hậu của Quỹ Phát triển nông nghiệp Quốc tế (IFAD), nông dân vốn có nhiều cách thức ứng phó khác nhau với thiên tai. Tuy nhiên, đối với vấn đề biến đổi khí hậu, cần nghiên cứu để tìm hiểu rõ nguyên nhân, từ đó đề ra các biện pháp ứng phó phù hợp. Trong quá trình xây dựng chương trình nghiên cứu, sự tham gia của nông dân - những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu đóng vai trò rất quan trọng.

Dựa vào những khó khăn do biến đổi khí hậu và nhu cầu thực tế của nông dân, IFAD nghiên cứu, xây dựng năng lực, biện pháp cho nông dân đối phó hiệu quả với những thách thức như sự thay đổi thời tiết, vấn đề thiếu nước, sâu bệnh, dịch hại, hạn hán, lũ lụt, lốc xoáy, xâm nhập mặn... Từ đó, nông dân giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất.

Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre và Trà Vinh được thực hiện từ 2014-2020, trên địa bàn 30 xã của tám huyện thuộc tỉnh Bến Tre và 30 xã thuộc bảy huyện của tỉnh Trà Vinh, do IFAD tài trợ.

Tổng nguồn vốn đầu tư của dự án là 1.034 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn vay của IFAD hơn 426 tỷ đồng, vốn viện trợ không hoàn lại của IFAD hơn 252 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam gần 159 tỷ đồng. Số tiền còn lại do người hưởng lợi đối ứng.

Mục tiêu tổng thể của dự án là xây dựng sinh kế bền vững cho người nghèo ở nông thôn trong điều kiện môi trường thay đổi và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng để tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Lê Minh Hòa, Phó Giám đốc Ban điều phối Dự án AMD-Bến Tre, cho biết đến nay, tỉnh đã chọn được 41 mô hình sản xuất trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản được đánh giá thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện Ban điều phối Dự án AMD-Bến Tre nghiên cứu các mô hình theo điều kiện vùng đất đảm bảo tính thích hợp để triển khai hỗ trợ nông dân nhân rộng ở từng địa phương.

Tại Trà Vinh, sau thời gian tham vấn cộng đồng là những nông dân trực tiếp sản xuất và cán bộ nông nghiệp địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trà Vinh đã chọn 28 mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu; trong đó, 13 mô hình sản xuất ở lĩnh vực trồng trọt, bảy mô hình chăn nuôi và tám mô hình thủy sản.

Các mô hình được chọn đảm bảo sáu tiêu chí gồm thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo thị trường tiêu thụ, phù hợp với kiến thức khoa học của người dân, có hiệu quả kinh tế, khả năng tham gia của người nghèo và phù hợp với định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Theo ông Huỳnh Nghĩa Thọ, Giám đốc Ban điều phối Dự án AMD-Trà Vinh, từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ triển khai hỗ trợ nông dân sản xuất 11 mô hình thích ứng biến đổi khí hậu, gồm trồng màu, ớt chỉ thiên, ngô giống, ngô lai, lạc, môn sáp; nuôi bò sinh sản, dê, gà thả vườn, heo thịt và nuôi sò huyết trên triền sông dưới tán rừng. ​Những hộ cá thể được hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng/hộ; những tổ, nhóm được hỗ trợ tối đa 150 triệu đồng/tổ, nhóm; riêng tổ hợp tác nuôi bò sinh sản được hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/tổ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục