Hơn 2 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn chính sách ưu đãi

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong năm 2021 đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 608.700 lao động, giúp hơn 2.200 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Vietnam+)

“Năm 2021, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân trên 80.000 tỷ đồng cho hơn 2 triệu lượt hộ vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 608.700 lao động; 1.357 doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh và trả lương cho hơn 379.000 người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19…”

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngân hàng này, ngày 12/11.

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết, tính đến ngày 31/12/2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 256.324 tỷ đồng, tăng 22.779 tỷ đồng so với cuối năm 2020, trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt 24.702 tỷ đồng.

[Ngân hàng Nhà nước cam kết tiếp sức cho khu vực nông thôn]

Với mạng lưới hoạt động phủ khắp toàn quốc, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân trên 80.000 tỷ đồng cho hơn 2 triệu lượt hộ vay vốn. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 247.970 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2020, trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 209.875 tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2020, hoàn thành 100% kế hoạch, với gần 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Gắn liền với việc tăng trưởng dư nợ, việc nâng cao chất lượng tín dụng được chú trọng thực hiện. Tính đến 31/12/2021, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,7% tổng dư nợ.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong năm 2021 đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 608.700 lao động, giúp hơn 2.200 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 37.500 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; 1.357 doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh và trả lương cho hơn 379.000 người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19; xây dựng gần 1,4 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng hơn 1.100 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; xây dựng gần 6.200 căn nhà ở xã hội…

Trong năm 2022, ông Thắng yêu cầu toàn hệ thống tập trung tổ chức thực hiện kế hoạch tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm, gói tín dụng chính sách ưu đãi trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022-2023 của Quốc hội, Chính phủ; các chính sách tín dụng để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng công tác quản lý và xử lý nợ trong toàn hệ thống, đảm bảo việc xử lý nợ đúng đối tượng, công bằng, khách quan; quan tâm đến công tác xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục