Hơn 2.000 người di cư đã chết trên Địa Trung Hải kể từ đầu năm

Theo IMO, từ đầu năm đến nay, có hơn 2.000 người di cư chết trên biển Địa Trung Hải do các tai nạn trong khi đang lênh đênh trên tàu đến châu Âu.
Hơn 2.000 người di cư đã chết trên Địa Trung Hải kể từ đầu năm ảnh 1Những người di cư mới được cứu trên biển Địa Trung Hải vào cuối tháng Bảy vừa qua. (Nguồn: ANSA)

Theo Tổ chức di cư thế giới (IMO), kể từ đầu năm đến nay, đã có hơn 2.000 người di cư chết trên biển Địa Trung Hải do các tai nạn trong khi đang lênh đênh trên các con tàu đến châu Âu để tìm kiếm cuộc sống mới.

Báo cáo mới công bố của tổ chức này hôm 5/8 cảnh báo rằng, số người chết trong 7 tháng đầu năm nay đã cao hơn con số thiệt mạng cùng kỳ năm ngoái, với 1.607 người và nếu các tai nạn trên biển không giảm, khả năng 2015 trở thành năm có nhiều người di cư chết trên biển nhất là hoàn toàn có thể.

Năm 2014, số người chết trong các tai nạn trên biển Địa Trung Hải là 3.279 người, cao nhất từ trước đến nay.

Theo IOM, hầu hết số người này chết trong khi trên đường từ các cảng của Libya hướng đến các đảo và cảng ở phía Nam Italy, nơi gần châu Phi nhất và các chuyến đi do bọn buôn người tổ chức.

IOM cho rằng, tuyến đường biển này đã trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết do bọn buôn người sử dụng mọi phương tiện có thể chuyên chở được để đưa người vượt biển, nhiều trong số đó là các xuồng cao su hoặc các thuyền cũ nát và lèn chặt người.

Mặc dù số người vượt biển từ châu Phi đến Italy và Hy Lạp không khác nhau nhiều, 97.000 so với 90.000 kể từ đầu năm, nhưng số người chết khi tới Italy cao hơn, 1.930 người, so với gần 80 người trên đường sang Hy Lạp.

Tai nạn mới nhất xảy ra cuối tuần trước, khi 19 người đã chết đuối trong một tai nạn ở ngoài khơi đảo Sicily.

Đêm 29/7, một tàu hải quân của Ireland cũng đã chuyển xác của 14 người di cư thiệt mạng trên biển. Đây là những xác chết trên một con tàu chở gần 500 người di cư được cứu trên biển.

Các nhân chứng nói rằng họ chết vì nóng và kiệt sức.

Cho tới nay, đã có tổng cộng 188.000 người di cư từ Bắc Phi được cứu trên biển trong hành trình sang châu Âu của họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.