Hơn 20.000 người mắc bệnh lao chưa có thẻ bảo hiểm y tế

Một điều đáng lo ngại hiện nay tại Việt Nam là công tác phòng chống lao vẫn gặp khó khăn khi có tới 98% số người mắc lao kháng thuốc tại Việt Nam phải đối diện với gánh nặng chi phí.
Các cán bộ y tế điều trị cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Tại Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có gần 130.000 người mắc lao mới hàng năm, gây ra tử vong cho khoảng 16.000 người năm 2015.

Một điều đáng lo ngại hiện nay tại Việt Nam là công tác phòng chống lao vẫn gặp khó khăn khi có tới 98% số người mắc lao kháng thuốc tại Việt Nam phải đối diện với gánh nặng chi phí.

20% bệnh nhân mắc lao chưa được phát hiện

Giáo sư Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, Việt Nam đang có kết quả điều trị bệnh lao rất tốt, với 100.000 người mắc lao được phát hiện, điều trị mỗi năm, trong đó 90% trường hợp mắc mới được chữa khỏi.

[Cuộc chiến chống lao: Bảo hiểm y tế là nguồn tài chính bền vững nhất]

“Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang xếp thứ 16 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và thứ 13 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Với 20% bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, đây sẽ là nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho cộng đồng,” Thứ trưởng Tiến chỉ rõ.

Nguyên nhân khiến công tác phòng chống lao vẫn gặp khó khăn do hiểu biết của một bộ phận người dân về bệnh lao và cách phòng chống còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh. Trong khi đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng.

Làm thủ tục khám chữa bệnh khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân. (Ảnh: TTXVN)

Thống kê trên thế giới cho thấy có 54% số ca mắc lao đa kháng thuốc được chữa khỏi, nhưng tỷ lệ này ở Việt Nam đã đạt hơn 70%. Nếu điều trị theo phác đồ mới nhất (9 tháng), tỷ lệ thành công có thể lên tới 85%.

Chiều 23/3, tại hội thảo truyền thông về Ngày thế giới phòng chống lao, phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết số người mắc bệnh lao đang giảm khoảng 5-6% mỗi năm. Trong hai năm 2015-2016, cả nước đã giảm 3.000 người chết vì lao.

Bên cạnh đó, Chương trình chống lao quốc gia vẫn còn nhiều thách thức khi chưa tầm soát hết các đối tượng nghi mắc lao đa kháng thuốc; tỷ lệ người được xét nghiệm trong số nghi lao đa kháng thuốc còn hạn chế tại nhiều địa phương; hầu hết sự phối hợp hiện nay chủ yếu là mô hình chuyển người nghi lao đến khám phát hiện; đặc biệt sự phối hợp giữa bệnh viện đa khoa và các trung tâm y tế chưa tốt, chất lượng xét nghiệm chưa đạt yêu cầu...

Số người mắc và tử vong do bệnh lao trong hai năm 2015-2016 tại Việt Nam. (Nguồn: WHO)

Lập Quỹ hỗ trợ người bệnh lao

Theo Chương trình chống lao quốc gia, năm 2018, sau ba năm thưc hiện Chiến lược Quốc gia Phòng chống lao Việt Nam, kết quả bước đầu đã cho thấy những thành tựu to lớn đó là giảm số mắc và giảm số tử vong do lao.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới từ 2015 sang năm 2016 đã giảm từ 128.000 xuống 126.000 người mắc và giảm từ 16.000 xuống 13.000 người chết do lao, giảm được 2.000 người mắc và 3.000 người chết do lao.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Chương trình chống lao Quốc gia và Tổ chức Y tế Thế giới với các đối tác cho thấy có đến 64% người mắc lao còn nhậy cảm với thuốc và 98% số người mắc lao kháng thuốc tại Việt Nam phải đối diện vớichi phí thảm họa, họ mất đi trên 20% tổng thu nhập của gia đình trong 1 năm để điều trị bệnh, mặc dù đã được cấp thuốc miễn phí từ Chương trình.

Hiện nay, công tác điều trị lao tuy có nhiều tiến bộ nhưng với số lượng thuốc khá lớn, có thể có các phản ứng với thuốc và đặc biệt thời gian kéo dài ít nhất là 6 tháng và có thể phải đến 2 năm nếu điều trị lao kháng thuốc. Vì vậy, người bệnh ngoài việc nhận thuốc chống lao miễn phí thì còn cần rất nhiều các điều trị các bệnh lý phối hợp và các điều kiện sống khác để hoàn thành điều trị và khỏi bệnh.

Khám, tư vấn cho bệnh nhân mắc bệnh lao. (Ảnh: TTXVN)

Phó giáo sư Nhung nhấn mạnh, bảo hiểm y tế là một chính sách hết sức đúng đắn sẽ giúp cho mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt quan trọng với người bệnh mắc lao. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có trên 20.000 người mắc lao chưa có thẻ bảo hiểm y tế mặc dù cũng đã có sự hỗ trợ của Nhà nước. Kinh phí đồng chi trả theo luật Bảo hiểm y tế, dù là 5% cũng sẽ là gánh nặng lớn đối với những người nghèo và cận nghèo, đối tượng chiếm tỷ lệ cao trong số những người mắc lao.

Vì vậy, Chương trình chống lao Quốc gia thành lập “Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao”, nhằm hỗ trợ bệnh nhân lao nghèo.

Mục tiêu cơ bản của Quỹ là hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho những người bệnh lao chưa có thẻ, giúp kinh phí đồng chi trả cho tất cả những người bệnh lao trong suốt thời gian điều trị và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn để tất cả mọi người dân đều được phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh lao, không lây lan ra cộng đồng và tiến tới chấm dứt bệnh lao.

Theo đó, Quỹ sẽ hỗ trợ khoảng 20.000 bệnh nhân lao tham gia bảo hiểm y tế, cũng như đồng chi trả 5% cho những bệnh nhân lao nghèo và các chi phí chưa được quỹ bảo hiểm y tế chi trả.

Hiện quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả cho chẩn đoán và điều trị lao. Đến năm 2019, bảo hiểm y tế sẽ bao phủ thuốc điều trị thiết yếu cho bệnh nhân lao./.

Điều trị thành công ca lao gan trên nền bệnh wilson hiếm gặp. (Nguồn: Vnews)
Chủ đề ngày thế giới phòng chống lao năm nay: Cam kết hành động vì một Việt Nam không còn bệnh Lao; Mỗi người, mỗi ngành, mỗi tổ chức hãy cùng hành động để chấm dứt bệnh Lao ở Việt Nam.

Năm 2018, Chương trình Phòng chống lao quốc gia đã thành lập Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao. 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục