Tăng cường phòng chống lao và lao kháng thuốc ở khu vực APEC

Chiều 22/8, Nhóm công tác y tế APEC (HWG) tổ chức Đối thoại chính sách về “Tăng cường công tác phòng chống lao và lao kháng thuốc ở khu vực APEC.”
Tăng cường phòng chống lao và lao kháng thuốc ở khu vực APEC ảnh 1Đại biểu các nền kinh tế APEC dự đối thoại chụp ảnh chung. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 (SOM 3) và các hội nghị liên quan diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 22/8, Nhóm công tác y tế APEC (HWG) tổ chức Đối thoại chính sách về “Tăng cường công tác phòng chống lao và lao kháng thuốc ở khu vực APEC.”

Hội thảo nhằm đưa ra những khuyến nghị với các nhà lãnh đạo APEC thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững (SDG) cho các nền kinh tế thành viên.

Hơn 100 đại biểu tham dự buổi Đối thoại, bao gồm đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Liên minh phòng chống Lao toàn cầu (STP), đại diện Mạng lưới nghị sỹ phòng chống lao, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, đại diện các nền kinh tế APEC, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, đại diện cho các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế về kỹ thuật và quản lý, các viện nghiên cứu, khu vực tư nhân và tổ chức cộng đồng, chương trình chống lao quốc gia.

Phát biểu tại buổi Đối thoại, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, ông Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh, trong những thập niên qua, Việt Nam đã giành được nhiều kết quả tích cực trong đấu tranh phòng chống bệnh lao.

[Phát hiện ca lao siêu kháng thuốc đầu tiên ở Đồng Nai]

Việt Nam là một trong 9 nền kinh tế đạt được 3 mục tiêu chính về giảm thiểu bị nhiễm bệnh lao và là một trong ba nền kinh tế hàng đầu triển khai hiệu quả chiến lược phòng chống lao của WHO.

Ưu tiên hàng đầu hiện nay của Việt Nam là phát hiện sớm tất cả các trường hợp mắc bệnh lao và điều trị khỏi để ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng.

Lao kháng đa thuốc với thời gian điều trị dài và tỷ lệ vong và sự kỳ thị của cộng đồng, hạn chế của các kỹ thuật chuẩn đoán, thuốc điều trị là những rào cản chính, yêu cầu cần phải có những hỗ trợ về nhân lực, tài lực và tài chính.

Ông Phạm Lê Tuấn cho rằng, Đối thoại chính sách hướng tới đẩy nhanh can thiệp chống lao và lao kháng thuốc trong khu vực là một sáng kiến của Việt Nam phối hợp với các nền kinh tế thành viên APEC và sự hỗ trợ của WHO.

Đối thoại hướng tới việc đưa ra chiến lược đột phá, giải quyết tốt đẹp những đầu tư cho ngành y tế, đảm bảo xây dựng khung trách nhiệm chung để thanh toán bệnh lao trong khu vực APEC trong thời gian sắp tới.

Trong đó, cần nhấn mạnh đến sự tham gia và hợp tác đa ngành của toàn bộ hệ thống chính trị; cách thức tiếp cận đa ngành, liên ngành trong việc giải quyết và chấm dứt bệnh lao, lao đa kháng thuốc.

Chia sẻ về chiến lược của WHO với cam kết phòng chống bệnh lao trên thế giới, bà Diana E.C Weil, thuộc bộ phận chính sách và chiến lược phòng chống lao toàn cầu của WHO đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống lao, trở thành một trong những thành viên tiên phong trong triển khai chiến lược phòng chống lao của WHO.

Theo bà Diana, bệnh lao là mối đe dọa toàn cầu, 1/3 dân số thế giới có thể nhiễm lao và rất nhiều thành viên APEC ghi nhận sự gia tăng nhiễm lao và khoảng 10% số người bị nhiễm lao sẽ bị lao trọn đời.

Đối thoại chính sách hôm nay hướng tới giúp xây dựng khung chính sách cho các nền kinh tế thành viên APEC trong những năm sắp tới, hoạt động hợp tác liên ngành, đa ngành trong việc thanh toán bệnh lao - một trong những chỉ tiêu chính của Mục tiêu phát triển bền vững 2020.

Tại Đối thoại, các đại biểu thảo luận về các cơ hội hợp tác và hội nhập giữa các nền kinh tế thành viên APEC, tạo tiền đề cho cam kết chính trị để áp dụng mở rộng công nghệ mới bằng các tiếp cận hợp lý hiệu quả với cơ hội được đầu tư thỏa đáng trong việc phòng chống lao.

Đây cũng là dịp để đưa ra những khuyến nghị quan trọng vận động các nhà hoạch định chính sách, những người đứng đầu Chính phủ, Bộ ngành Y tế của các nền kinh tế thành viên APEC quan tâm hơn nữa bệnh lao là căn bệnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, có nguy cơ tử vong cao và lây lan nguy hiểm.

Đối thoại hướng đến các mục tiêu: Chia sẻ các bằng chứng khoa học và thực tiễn mang tính chiến lược làm tiền đề cho tiến trình kết thúc bệnh lao; Thách thức và cơ hội của các giải pháp khoa học công nghệ trong kiểm soát lao và lao kháng thuốc hiện nay; Đồng thuận về cam kết chính trị, chính sách xã hội, khung hợp tác và trách nhiệm giải trình đa ngành của các nền kinh tế cho kết thúc bệnh lao trong khu vực APEC./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục