Hơn 230 triệu phụ nữ là nạn nhân của hủ tục cắt bỏ một phần vùng kín

Theo khảo sát của 31 quốc gia nơi hủ tục còn phổ biến, châu Phi là nơi có nhiều nạn nhân FGM nhất với hơn 144 triệu người, tiếp theo là châu Á (80 triệu người) và Trung Đông (6 triệu người).

Châu Phi là nơi có nhiều nạn nhân FGM nhất với hơn 144 triệu người. (Nguồn: UNICEF)
Châu Phi là nơi có nhiều nạn nhân FGM nhất với hơn 144 triệu người. (Nguồn: UNICEF)

Theo báo cáo mới của Quỹ Nhi đồng Liên hợp hợp (UNICEF) công bố vào đúng Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), trên toàn thế giới hiện có hơn 230 triệu phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của hủ tục cắt bỏ một phần bộ phận sinh dục (FGM), tăng 15% so với năm 2016, dù rằng một số quốc gia đã đạt được tiến bộ trong việc chống lại hủ tục này.

FGM bao gồm việc cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ âm vật và môi nhỏ âm hộ. Thủ thuật có thể gây chảy máu hoặc nhiễm trùng dẫn tới tử vong, đồng thời có thể dẫn đến các biến chứng lâu dài như khó sinh con, thai chết lưu và quan hệ tình dục đau đớn.

Theo khảo sát của 31 quốc gia nơi hủ tục còn phổ biến, châu Phi là nơi có nhiều nạn nhân FGM nhất với hơn 144 triệu người, tiếp theo là châu Á (80 triệu người) và Trung Đông (6 triệu người). Số người trải qua hủ tục này tăng là do dân số tăng ở một số quốc gia.

Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận những tiến bộ trong việc giảm hủ tục này. Tại Sierra Leone, tỷ lệ trẻ em gái từ 15 đến 19 tuổi thực hiện FGM giảm từ 95% xuống 61% trong 30 năm qua. Ethiopia, Burkina Faso và Kenya cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, tại Somalia, 99% phụ nữ từ 15 đến 49 tuổi đã trải qua FGM, tại Guinea 95%, tại Djibouti 90% và tại Mali 89%.

Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell bày tỏ lo ngại trước thực trạng ngày càng có nhiều trẻ em gái bị cắt bỏ bộ phận sinh dục ở độ tuổi nhỏ hơn, nhiều em trước khi lên 5 tuổi. Bà kêu gọi cần tăng cường các nỗ lực chấm dứt hủ tục có hại này.

Để xóa bỏ hủ tục này vào năm 2030 theo như Chương trình nghị sự Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc, tiến độ phải tăng gấp 27 lần so với mức hiện tại.

Bà Coppa thừa nhận có nhiều khó khăn trong công cuộc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trước hủ tục này. Bà nhấn mạnh ngay cả khi nhận thức đang thay đổi, với việc hủ tục đã tồn tại hàng thế kỷ, việc thay đổi các chuẩn mực xã hội và thực tiễn liên quan đến chuẩn mực này cần có thời gian./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục