Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trên địa bàn cả nước có 244.006 xe cơ giới quá hạn kiểm định trên 30 ngày tính tại thời điểm 1/10 vừa qua (trong đó có 61.768 xe con, 14.037 xe khách, 156.005 xe tải và chuyên dùng và 12.196 xe loại khác).
Để thực hiện nghiêm quy định về loại bỏ xe hết niên hạn sử dụng, kiểm soát xe quá hạn kiểm định tham gia giao thông, Cục Đăng kiểm đã chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới thống kê, rà soát xe sẽ hết niên hạn của năm báo cáo Cục, Sở Giao thông Vận tải địa phương, thông báo cho chủ xe, lái xe chuẩn bị thực hiện quy định; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý xe hết niên hạn sử dụng.
[Cả nước có hơn 200.000 xe ôtô quá hạn đăng kiểm hơn một tháng]
“Hiện không có chế tài xử phạt khi xe quá hạn đến kiểm định, những xe này chỉ bị xử lý khi lực lượng tuần tra, kiểm soát phát hiện khi tham gia giao thông,” lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho hay.
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm, Chỉ thị 29/CT-TTg ngày 16/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm rõ ràng cho cơ quan kiểm soát các cấp chịu trách nhiệm tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý các đối tượng này. Trong Chỉ thị, Thủ tướng đã yêu cầu gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong việc xử lý tình trạng xe hết niên hạn sử dụng trên địa bàn.
Trong năm 2018 dự kiến sẽ tiếp tục có 19.316 xe hết niên hạn sử dụng, trong đó xe tải là 17.540 xe; xe chở người từ 10 chỗ trở lên là 1.776 xe. Cục Đăng kiểm đã công khai danh sách các xe sẽ hết niên hạn sử dụng vào 1/1/2019 tại trang thông tin điện tử của Cục, công khai danh sách xe của các tỉnh tại các đơn vị đăng kiểm tại địa phương để phối hợp tuyên truyền vận động chủ xe có kế hoạch thay thế xe sẽ hết niên hạn sử dụng.
Bộ Giao thông Vận tải vừa có Công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xử lý nghiêm đối với các phương tiện giao thông hết niên hạn sử dụng hoặc quá hạn kiểm định nhưng vẫn tham gia giao thông.
“Việc các phương tiện hết niên hạn sử dụng hoặc quá hạn kiểm định mà vẫn tham gia giao thông sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông và trái với các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông,” Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Liên quan đến việc chống tiêu cực và nâng cao chất lượng công tác kiểm định, phía Cục Đăng kiểm khẳng định đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp quản lý nhằm đảm bảo chất lượng công tác đăng kiểm luôn được duy trì.
Theo đó, Cục Đăng kiểm đã đầu tư, nâng cấp trang thiết bị; nghiên cứu và đổi mới quy trình kiểm định để hạn chế tối đa sự tác động của con người tới kết quả kiểm định; xây dựng phần mềm theo dõi, giám sát được hoạt động của các đơn vị qua dữ liệu kiểm định; tập huấn, nâng cao nghiệp vụ của lực lượng đăng kiểm viên; tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm...
“Chín tháng của năm nay, Cục đã thực hiện 80 đợt kiểm tra chuyên ngành tại các đơn vị đăng kiểm, phát hiện và xử lý đình chỉ có thời hạn 52 đăng kiếm viên, đình chỉ hoạt động 6 dây chuyền kiểm định của 6 đơn vị,” lãnh đạo Cục Đăng kiểm đưa ra dẫn chứng.
[Cục Đăng kiểm: Không nên kéo dài chu kỳ kiểm định xe taxi]
Hiện nay, toàn hệ thống đăng kiểm xe cơ giới có trên 1.500 đăng kiểm viên, 100% là các kỹ sư cơ khí chuyên ngành, được tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm thường xuyên, trong đó có gần 600 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.
Được biết, năm 2017, Cục Đăng kiểm đã thực hiện 98 đợt kiểm tra chuyên ngành tại các đơn vị đăng kiểm, phát hiện và xử lý đình chỉ có thời hạn 60 đăng kiểm viên, đình chỉ hoạt động 2 dây chuyền kiểm định của 2 đơn vị./.