Trong thế giới biến đổi từng ngày với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, giáo dục đại học phải thay đổi như thế nào để đào tạo nhân lực thích ứng, đáp ứng yêu cầu mới là vấn đề đã được nhiều đại biểu đặt ra và cùng thảo luận tại “Hội nghị quốc tế thường niên về đổi mới dạy và học” (Teaching and Learning Summit).
Hội nghị do Đại học VinUni khởi xướng và tổ chức lần đầu tiên trong hai ngày 17 và 18/6, tại Hà Nội, quy tụ gần 400 nhà lãnh đạo giáo dục đến từ nhiều trường đại học trên thế giới như Đại học British Columbia (Canada), Đại học Duke-NUS (Singapore), Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), Đại học Kinh doanh Sydney (Australia), Đại học Thiên Tân (Trung Quốc)… cùng lãnh đạo các trường đại học hàng đầu tại Việt Nam.
Những yêu cầu mới
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết hội nghị là diễn đàn mở, tạo cơ hội để các nhà khoa học, các cán bộ quản lý giáo dục, các giáo viên, giảng viên phát cùng hợp tác, trao đổi, nghiên cứu, cập nhật những vấn đề thực tiễn về giáo dục của thế kỷ 21 nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập ở bậc đại học tại Việt Nam đồng thời hỗ trợ nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục tại trường Trung học phổ thông, các cơ sở giáo dục thường xuyên.
Trình bày đề dẫn hội nghị với chủ đề “Giáo dục trong thế kỷ 21,” giáo sư Sanjay Sarma, Phó Chủ tịch Trung tâm Học tập Mở, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho rằng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, thế giới biến đổi không ngừng và sinh viên ngày nay phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải trong tương lai. Các trường đại học chỉ có 4 năm đào tạo nhưng sinh viên phải làm việc suốt đời, phải thích ứng để đáp ứng các yêu cầu của thị trường lao động không ngừng thay đổi. Vì vậy, giáo dục đại học chỉ là kiến thức nền tảng, người học cần phải có tinh thần, kỹ năng học tập suốt đời.
Đồng quan điểm này, tiến sỹ Anh Thư (Đại học Đà Nẵng) cho rằng trong thời đại 4.0, sinh viên cần học hỏi nhiều kiến thức mới, kỹ thuật công nghệ, kỹ năng mới để giải quyết được các vấn đề phức hợp. Điều này tạo áp lực thúc đẩy người dạy phải thay đổi, giáo trình cần điều chỉnh để thích ứng với sinh viên. Kết quả đầu ra được thiết kế ngay từ đầu nhưng phải phù hợp với nhu cầu của xã hội chứ không phải chủ quan của giảng viên. Khi đó sinh viên mới đủ sức cạnh tranh ngoài xã hội sau khi tốt nghiệp. Cũng theo bà Anh Thư, vai trò của giảng viên trong giáo dục hiện đại không chỉ dạy lý thuyết mà là người hướng dẫn và đào tạo cho sinh viên kỹ năng tự học.
“Trường đại học giống như vườn ươm nhân tài khởi nghiệp. Mỗi khóa sinh viên là một thách thức với giảng viên. Giảng viên phải điều chỉnh để thích ứng, phù hợp với lứa sinh viên đó,” bà Anh Thư nói.
Cùng chia sẻ về những yêu cầu mới của giáo dục đại học, phó giáo sư Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng Đại học Phenikaa cho rằng bất cứ trường đại học nào cũng cần đào tạo để sinh viên trở thành công dân toàn cầu. Theo dó, mỗi trường phải có chiến lược riêng dựa trên tầm nhìn, thế mạnh, chiến lược của mình.
Thay đổi và hợp tác
Trước những yêu cầu mới, lãnh đạo các đại học đều cho rằng giáo dục đại học cần có sự thay đổi đồng thời các trường phải hợp tác với nhau để nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh tính quốc tế hóa.
Giáo sư Sanjay Sarma cho hay giáo dục truyền thống theo cách giảng viên thuyết trình, đưa ví dụ và sinh viên làm bài kiểm tra đã không còn phù hợp và không hiệu quả. Ông viện dẫn một kết quả khảo sát cho thấy não bộ của sinh viên hoạt động ít nhất lại chính là khi các em đang ngồi trên lớp học. Điều đó cho thấy sinh viên không hứng thú với việc học và đòi hỏi các giảng viên phải thay đổi, sáng tạo hơn trong hoạt động giảng dạy.
Thay đổi phương pháp giảng dạy theo hướng hội nhập quốc tế để nâng cao hiệu quả đào tạo cũng là chủ đề được lãnh đạo các đại học phân tích sâu tại các phiên thảo luận chuyên đề như học tập theo nhóm, học tập theo dự án, học tập trải nghiệm, đưa nghiên cứu vào giảng dạy, giáo dục khởi nghiệp, trao quyền cho sinh viên, phương pháp khuyến khích sinh viên tương tác hiệu quả trong môi trường học tập trực tuyến… Các đại biểu cũng sẽ bình chọn và trao giải thưởng cho ý tưởng giảng dạy xuất sắc nhất.
[Từ sinh viên "lười" đến thực tập sinh ở Trung tâm Siêu máy tính QG Mỹ]
Trong khuôn khổ Các đại biểu sẽ cùng thảo luận chuyên sâu hơn về nhóm ngành y khoa nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về bối cảnh phát triển của giáo dục y khoa tại Việt Nam đồng thời chia sẻ các công nghệ tiên phong nhất về dạy học mô phỏng, dạy học theo nhóm cũng như các kỹ năng chuyên biệt trong phỏng vấn, giao tiếp với bệnh nhân theo các kịch bản mô phỏng ‘ảo như thật’. Đặc biệt, các đại biểu Hội nghị sẽ được trực tiếp quan sát và đánh giá hiệu quả giảng dạy trong suốt thời gian thực hiện kịch bản.
Điểm nhấn quan trọng của Hội nghị là tọa đàm bàn tròn cấp cao giữa lãnh đạo các trường đại học gồm 5 nội dung lớn: chuyển đổi số trong giáo dục đại học; bình đẳng trong giáo dục; trách nhiệm xã hội của trường đại học; kết nối giữa giáo dục đại học và giáo dục thường xuyên, giáo dục phổ thông; vi trò của đại học trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Dưới sự chứng kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các trường đại học sẽ đưa ra tuyên bố chung về vai trò lãnh đạo của đại học trong thế kỷ 21cũng như công bố chương trình hành động để đạt được mục tiêu chung. Song song với tọa đàm là phiên thảo luận góp ý về bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại đơn vị học tập đối với các cơ sở giáo dục đại học do lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì.
Theo tiến sỹ Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học VinUni, VinUni khởi xướng với mong muốn không những tạo ra một “sân chơi phẳng”, nơi các nhà lãnh đạo giáo dục có thể chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác toàn cầu mà còn để thảo luận, tìm giải pháp định hình tương lai của giáo dục. Thông qua hội nghị, các nhà lãnh đạo học thuật sẽ cùng cam kết hành động để tạo ra các thay đổi mạnh mẽ trong giáo dục, gia tốc quá trình ươm mầm khởi nghiệp của sinh viên và rút ngắn thời gian đưa công trình nghiên cứu từ phòng thí nghiệm vào cuộc sống.
Sự thành công của “Hội nghị quốc tế về đổi mới dạy và học” lần thứ nhất sẽ mang tới cơ hội kết nối phát triển mạng lưới quan hệ giữa các nhà lãnh đạo học thuật trong nước và quốc tế, đồng thời mở ra những các chương trình hợp tác thiết thực trong tương lai. Hội nghị thường niên lần thứ hai sẽ do Đại học Quốc gia Hà Nội đăng cai tổ chức vào năm 2023./.