Một nhóm các chuyên gia thuộc Đại học Queensland (UQ) của Australia mới đây đã hoàn tất danh sách hơn 45.000 loài sinh vật biển đang bị đe dọa, cho thấy mức độ tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu và các nhân tố khác đối với các sinh vật biển.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Hiệp hội sinh thái học Mỹ (ESA) và công bố ngày 16/2, trong đó lập ra một khuôn khổ xác định địa điểm và cách thức cần phải tập trung các nỗ lực bảo tồn.
Tiến sỹ Nathale Butt từ Khoa Khoa học môi trường và Trái Đất thuộc UQ nêu rõ nghiên cứu đã phân cấp các mối đe dọa đối với các loài sinh vật biển khác nhau.
Theo đó, san hô và các sinh vật không xương sống khác gắn với san hô thuộc nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những điều kiện nước như độ acid và độ muối, với mức độ nguy cơ từ 0,4 đến 0,5 trên thang đánh giá từ 0 đến 1.
Tiến sỹ Butt cho biết nhiệt độ nước đang tăng có liên quan đến việc độ acid của đại dương tăng lên, tạo môi trường không thuận lợi cho quá trình hình thành lớp vỏ của một số động vật thân mềm hoặc giáp xác.
[Mỹ tìm cách thảo luận với Mexico về bảo vệ sinh vật biển]
Trong khi đó các động vật lớn hơn có độ nhạy cảm lớn hơn với tác động trực tiếp như hủy hoại môi trường và hoạt động đánh bắt cá. Cá heo, rùa, cá mập và chim biển đều có độ nhạy cảm từ 0,5 đến 0,6 trước hoạt động đánh bắt cá.
Nhìn chung, ô nhiễm do các chất vô cơ và nhiệt độ nước tác động đến nhiều loài nhất, lần lượt ảnh hưởng tới 31% và 27% trong tổng số 45.000 loài.
Nghiên cứu được đánh giá là đã cung cấp những hiểu biết “có một không hai” về lĩnh vực bảo tồn đại dương, thông qua việc phân loại các loài và nguy cơ đối với từng loài, xét theo các đặc điểm sinh học chung và các tác nhân môi trường.
Theo Phó Giáo sư Carissa Klein, một thành viên nhóm nghiên cứu, các nhà bảo tồn có thể sử dụng danh sách này để xác định ưu tiên nguồn lực bảo tồn và xác định cách thức quản lý và địa điểm tốt nhất để bảo vệ các loài, nhóm cụ thể.
Nhóm nghiên cứu hy vọng dự án này sẽ đóng vai trò cơ sở dữ liệu lõi và sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện./.