Kết quả thăm dò dư luận công bố ngày 12/4 cho thấy khoảng 51-52% cử tri trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ cho ý kiến đồng ý với kế hoạch sửa đổi Hiến pháp, theo đó tăng quyền lực của Tổng thống Tayyip Erdogan.
Cuộc thăm dò do ANAR thực hiện tại 26 tỉnh thành của Thổ Nhĩ Kỳ với sự tham gia của 4.000 người trong thời gian từ 5-10/4 cho thấy có 52% ý kiến ủng hộ kế hoạch sửa đổi Hiến pháp của Ankara.
So với kết quả thăm dò thực hiện hồi tháng Ba, tỷ lệ ủng hộ tăng thêm 2%. Trong khi đó, có khoảng 8% cử tri vẫn lưỡng lự trong việc đưa ra quyết định sau cùng.
Trong khi đó, cuộc thăm dò do công ty Konsensus thực hiện trong thời gian từ 2-8/4 với sự tham gia của 2.000 cử tri tại 41 tỉnh thành của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy ý kiến ủng hộ kế hoạch sửa đổi hiến pháp chiếm hơn 51%.
[Cử tri ở nước ngoài ủng hộ mạnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan]
Cho đến nay, giới phân tích khá thận trọng để đưa ra dự báo kết quả cuộc trưng cầu dân ý này. Ngoài cử tri trong nước, cử tri gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang cư trú tại một số nước châu Âu như Đức, Hà Lan, Bỉ,... cũng sẽ tham gia bỏ phiếu.
Hồi tháng Hai, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua dự luật sửa đổi Hiến pháp. Để chính thức có hiệu lực, dự luật này còn phải được sự chấp thuận của người dân thông qua cuộc trưng cầu dân ý, dự kiến được tổ chức vào ngày 16/4.
Dự luật sửa đổi Hiến pháp này mở đường cho ông Tayyip Erdogan, người sáng lập AKP năm 2001, tiếp tục nắm giữ cương vị tổng thống đến năm 2029 với hai nhiệm kỳ theo quy định mới, sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào năm 2019. Dự luật cũng cho phép tổng thống được ban hành các sắc lệnh, ban bố tình trạng khẩn cấp, bổ nhiệm các quan chức nhà nước cấp cao và giải tán quốc hội.
Những người ủng hộ coi dự luật này là sự bảo đảm cho sự ổn định chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn biến động hiện nay, trong khi phe đối lập tố cáo đây là hành động thâu tóm quyền lực của Tổng thống Erdogan./.