Hơn 520 cá thể động vật hoang dã được giải cứu trong năm 2018

Thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho biết, trong năm 2018 đã ghi nhận 1.666 trường hợp vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, trong đó 521 cá thể động vật hoang dã được giải cứu.
Hơn 520 cá thể động vật hoang dã được giải cứu trong năm 2018 ảnh 1Tiêu bản cá thể hổ tại một ngôi chùa ở Hà Nội. (Nguồn ảnh: ENV cung cấp)

Thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) chiều 11/2 cho biết, trong năm 2018 đã ghi nhận 1.666 trường hợp vi phạm liên quan đến động vật hoang dã. Trong đó, 521 cá thể động vật hoang dã đã được giải cứu nhờ thông báo từ người dân cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc tịch thu các tang vật.

Theo ghi nhận của ENV, việc quảng cáo, buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã và các sản phẩm, bộ phận từ chúng là hành vi vi phạm phổ biến, chiếm 64% tổng số trường hợp vi phạm.

Không chỉ bày bán và quảng cáo ngay tại cửa hàng, quán ăn, nhiều đối tượng đã lợi dụng Internet để thực hiện hành vi buôn bán động vật hoang dã của mình nhằm thoát khỏi sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Chỉ tính riêng trong năm 2018, ENV đã ghi nhận gần 800 vụ vi phạm pháp luật về động vật hoang dã trên Internet với khoảng hơn 1.200 đường dẫn có dấu hiệu vi phạm.

Gần đây nhất, vào đầu tháng 9/2018, Công an huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã tiến hành tịch thu một bình rượu 12 lít ngâm 2 chân gấu bị quảng cáo trên mạng xã hội Facebook. Ngay sau đó một tuần, hai đối tượng ở Phú Thọ cũng đã bị bắt giữ vì hành vi quảng cáo, buôn bán một bình rượu ngâm 2 chân tay gấu.

[Các cửa hàng không treo móc thịt trong khu vực lễ hội chùa Hương]

Hơn 520 cá thể động vật hoang dã được giải cứu trong năm 2018 ảnh 2Tỉ lệ các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã. (Nguồn: ENV cung cấp)

Cũng theo ENV, việc nuôi nhốt, tàng trữ trái phép các loài động vật hoang dã và các sản phẩm, bộ phận của chúng hiện vẫn rất phổ biến, đặc biệt đối với các loài khỉ, rùa, tiêu bản các loài gấu, hổ, rùa biển hay rượu ngâm nhiều loài động vật hoang dã khác.

Trong năm 2018, đường dây nóng 1800-1522 của ENV đã ghi nhận 819 trường hợp vi phạm liên quan đến động vật hoang dã được người dân thông báo. 65,5% trong số này đã được xử lý thành công, cao hơn nhiều so với mức 48% trong năm 2017.

Ngoài ra, người dân cũng đã tự nguyện chuyển giao các cá thể động vật hoang dã đang bị nuôi nhốt của mình, góp phần đem đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho 67 cá thể tại tại các trung tâm cứu hộ.

Hơn 520 cá thể động vật hoang dã được giải cứu trong năm 2018 ảnh 3Cá thể khỉ bị nuôi nhốt. (Nguồn ảnh: ENV cung cấp)

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc ENV cho biết, sự tham gia tích cực của cộng đồng trong các nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã đã góp phần không nhỏ trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam.

“Thông qua đường dây nóng 1800-1522, ENV hi vọng sẽ tiếp tục trở thành cầu nối giữa người dân và cơ quan chức năng để tiếp nhận thông tin về các vụ vi phạm cũng như các cá thể động vật hoang dã được tự nguyện chuyển giao,” bà Dung nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục