Ngày 22/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã công bố danh sách hơn 590 doanh nghiệp đủ điều kiện đạt nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2017.
Sau bốn tháng triển khai cuộc điều tra, Hội đã cho ra kết quả sơ bộ gồm 805 doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn; trong đó, có 144 doanh nghiệp mới đạt đủ tỷ lệ phiếu bình chọn.
Sau đó, Hội phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương, ban ngành và cập nhật hồ sơ minh bạch thông tin của doanh nghiệp để tìm ra hơn 590 doanh nghiệp đủ điều kiện đạt nhãn hiệu chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2017.
Đặc biệt, từ quy mô 16.000 phiếu khảo sát, bên cạnh việc tìm ra danh sách doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cuộc điều tra hàng Việt Nam chất lượng cao 2017 còn cập nhật nhiều thông tin cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý.
Cụ thể, kết quả cuộc khảo sát cho thấy, người tiêu dùng sản xuất trong nước là chủ yếu, nhưng tỷ lệ ưa thích thấp hơn, theo đó sử dụng chính là hàng Việt đạt 92% nhưng tỷ lệ ưa thích chỉ có 78%.
Theo ông Hoàng Trọng, chuyên gia cố vấn cuộc điều tra hàng Việt Nam chất lượng cao, tỷ lệ trên là một minh chứng cho vấn đề các nhà sản xuất Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người tiêu dùng trong nước. Do đó, hiện tại nhà sản xuất nội địa còn nhiều thách thức trong việc giữ vững thị trường "sân nhà," đồng thời cơ hội cho hàng ngoại nhập tại thị trường Việt Nam còn khá cao.
Mặt khác, kết quả khảo sát cũng cho thấy, người tiêu dùng lo ngại rất nhiều đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm; trong đó, 1/4 số người được khảo sát lo ngại doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong sản xuất và bảo quản, hay sử dụng nguyên liệu không đảm bảo chất lượng để sản xuất.
Tuy nhiên, vấn đề mà các chuyên gia quan ngại hơn là dù biết sản phẩm không an toàn người tiêu dùng vẫn phải mua dùng vì chưa có sản phẩm thay thế trên thị trường. Điển hình, đối với ngành nông sản tươi và thực phẩm đóng hộp lo ngại lớn nhất là chưa có nhiều sản phẩm (sạch) thay thế trên thị trường (chiếm tới 53% và 41%).
Riêng về kênh mua sắm, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết mặc dù người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua sắm chính ở kênh bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng,tạp hóa) là 60%, nhưng kênh hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi) đã lên tới 34%. Thực trạng này là do sự thay đổi điều kiện sống, mức sống và cả sự lo lắng về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nên kênh bán lẻ hiện đại ngày càng trở nên quan trọng./.