Ô nhiễm nhựa là một trong những vấn đề nhức nhối nhất thế giới hiện nay đòi hỏi sự hợp tác và cam kết mạnh mẽ của cộng đồng toàn thế giới. Bất chấp lời kêu gọi của các nhà khoa học và hoạt động môi trường, tình trạng này vẫn đang chưa được cải thiện, thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), sản lượng polymer tổng hợp toàn cầu, chất liệu tạo thành nhựa khối, đã tăng gấp 230 lần kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước.
Đặc biệt trong giai đoạn 2000-2019, tổng sản lượng polymer tổng hợp đã tăng gấp đôi lên 460 triệu tấn, tập trung chủ yếu ở Mỹ, Trung Đông và Trung Quốc.
Theo OECD, nếu không kiểm soát, đến năm 2060, con số đó sẽ tăng gần gấp ba lần lên 1,2 tỷ tấn.
Cùng với sản lượng nhựa tăng mạnh, khối lượng rác thải nhựa trên toàn cầu cũng đã tăng gấp đôi trong vòng 20 năm, từ 156 triệu tấn của năm 2000 lên 353 triệu tấn vào năm 2019 và dự kiến sẽ tăng gần gấp 3 lần lên hơn 1 tỷ tấn vào năm 2060.
Điều đáng quan ngại là cách xử lý lượng rác nhựa khổng lồ này, theo OECD, chỉ 9% rác thải nhựa trên thế giới được tái chế; 19% được đốt có kiểm soát; và gần 50% đưa đến các bãi chôn lấp có kiểm soát.
Khoảng 22% còn lại bị bỏ lại trong các bãi rác bất hợp pháp, bị đốt ngoài trời hoặc thải ra môi trường, gây nguy cơ lớn cho sức khỏe con người. Năm 2019, khoảng 22 triệu tấn nhựa đã thải ra môi trường, trong đó có 6 triệu tấn “tập kết” ở sông, hồ và đại dương.
Đến năm 2060, OECD dự đoán khối lượng rác thải trong môi trường sẽ tăng gấp đôi lên 44 triệu tấn, chủ yếu là loại nhựa lớn, song chưa có thống kê chính xác về tình trạng hạt “rác” nhựa ở trong cơ thể sinh vật và người.
Ngoài ra nhựa cũng tạo ra dấu chân carbon đáng kể, khi tạo ra khoảng 1,8 tỷ tấn khí nhà kính vào năm 2019, tương đương 3,4% tổng lượng khí thải toàn cầu.
Khoảng 90% lượng khí thải này đến từ hoạt động sản xuất và chế biến nhựa, có nguồn gốc từ dầu thô và khí tự nhiên.
Báo cáo được công bố trong bối cảnh còn chưa đầy một tháng nữa, cuộc đàm phán cuối cùng của Ủy ban Đàm phán liên chính phủ (INC-5) sẽ diễn ra tại Busan (Hàn Quốc) để tiến tới một thỏa thuận chung toàn cầu giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa.
Các nhà quan sát cho biết tiến độ đàm phán thỏa thuận diễn ra rất chậm chạp và đôi khi bị cản trở. Hiện, bất đồng lớn nhất là một nhóm nước, đặc biệt là các quốc gia sản xuất dầu mỏ, cho rằng hiệp ước nên tập trung vào các biện pháp hạ nguồn, chủ yếu là quản lý chất thải.
Trong khi đó, những quốc gia tham vọng hơn bao gồm Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia châu Á và châu Phi muốn có các quy tắc hạn chế sản xuất nhựa mới, giải quyết việc quản lý và tái chế chất thải, cũng như lượng khí thải từ việc sản xuất nhựa mới.
Trong một nỗ lực riêng nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, ngày 29/10, doanh nhân và các nhà nghiên cứu từ khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã cùng tham gia một hội thảo của Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) ở Jakarta (Indonesia) để thảo luận về các giải pháp chuyển đổi sản xuất, sử dụng và tái chế nhựa.
Công ty khởi nghiệp Plustik của Indonesia sẽ giới thiệu phương pháp tái chế đang được tiến hành tại đây, chuyển đổi rác thải nhựa giá trị thấp được khai thác từ bãi chôn lấp thành các sản phẩm thương mại bao gồm khối lát vỉa hè và sàn gỗ.
Hai hội thảo tiếp theo trong chuỗi sự kiện của CSIRO dự kiến sẽ diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) ngày 1/11 và Bangkok (Thái Lan) ngày 7/11./.
Khoảng 1/5 rác thải nhựa "không được quản lý" và thải trực tiếp ra môi trường
Các chuyên gia ước tính có 251 triệu tấn rác thải nhựa được tạo ra hàng năm trên toàn cầu; trong đó có 52,1 triệu tấn (khoảng 1/5) "không được quản lý" và thải trực tiếp ra môi trường.