Hơn 6.300 chữ ký ủng hộ chiến dịch nói không với sừng tê giác Nam Phi

Sau một tuần phát động, chiến dịch ký tên trực tuyến toàn cầu "Chúng tôi không muốn sừng tê giác" đã nhận được hơn 6.300 chữ ký của các nhà bảo tồn và những người yêu quý động vật hoang dã.
Các bạn trẻ tham gia chiến dịch nói không với sừng tê giác Nam Phí. (Nguồn ảnh: ENV cung cấp)

Thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, chiều 10/3 cho biết, sau một tuần phát động, chiến dịch ký tên trực tuyến toàn cầu “We don’t want your rhino horn” (Chúng tôi không muốn sừng tê giác) đã nhận được hơn 6.300 chữ ký của các nhà bảo tồn và những người yêu quý động vật hoang dã.

Chiến dịch ký tên trực tuyến toàn cầu “We don’t want your rhino horn” do tổ chức bảo vệ động vật hoang dã Born Free khởi xướng, nhằm kêu gọi quốc gia Nam Phi rút lại đề xuất hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác - loài động vật hoang dã, quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Trên trang cá nhân của mình, MC Phan Anh chia sẻ: “Tôi mong các bạn có thể dành đôi phút để bày tỏ thái độ của mình với vấn đề bảo vệ tê giác, bảo vệ động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng bằng cách ký vào bức thư đề nghị chính phủ Nam Phi bác bỏ dự thảo hợp thức hoá việc buôn bán sừng tê giác.”

MC Phan Anh nhấn mạnh thêm: “Hành động này chứng minh việc Việt Nam bị mang tiếng là nguyên nhân gây ra việc sát hại dã man tê giác để lấy sừng chỉ ở một bộ phận nhỏ những người thiếu hiểu biết!.”

[Sao Việt gửi thông điệp nói "không" với sừng tê giác Nam Phi]

Với vai trò là Đại sứ bảo vệ tê giác, ca sĩ Hồng Nhung cũng chia sẻ: “Là một công dân Việt Nam đã từng chứng kiến tê giác bị thảm sát ở Nam Phi, tôi cùng những nghệ sĩ khác và người dân muốn gửi thông điệp đến những người đề xuất buôn bán sừng tê giác ở Nam Phi rằng chúng tôi không muốn sừng tê giác của các bạn.”

Lời kêu gọi của ca sĩ Hồng Nhung, MC Phan Anh cùng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong làng giải trí Việt đã thu hút hàng trăm lượt like, share. Đặc biệt là hơn 6.300 chữ ký của các nhà bảo tồn, các bạn trẻ và những người yêu quý động vật hoang dã.

Tại Hà Nội, hàng ngàn sinh viên trường Đại học Lâm nghiệp, Đại học Thủy lợi đã nhiệt tình hưởng ứng chiến dịch. Được truyền cảm hứng từ các bạn trẻ, số lượng người tham gia chiến dịch vẫn đang tăng lên không ngừng.

Sự góp sức của mọi tầng lớp nhân dân đã và đang đưa chiến dịch “We don’t want your rhino horn” lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng. Những kết quả thu được trong bước đầu của chiến dịch tại Việt Nam đã được tổ chức Born Free gửi tới Bộ Các vấn đề về Môi trường Nam Phi (Department of Environmental Affairs - DEA)./.

Một số hình ảnh các bạn trẻ tham gia chiến dịch nói không với sừng tê giác Nam Phi:

Các bạn trẻ tham gia chiến dịch nói không với sừng tê giác Nam Phi. (Nguồn ảnh: ENV cung cấp)
Các bạn trẻ tham gia chiến dịch nói không với sừng tê giác Nam Phi. (Nguồn ảnh: ENV cung cấp)
Các bạn trẻ tham gia chiến dịch nói không với sừng tê giác Nam Phi. (Nguồn ảnh: ENV cung cấp)
Các bạn trẻ tham gia chiến dịch nói không với sừng tê giác Nam Phi. (Nguồn ảnh: ENV cung cấp)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục