Hơn 71% máy tính và thiết bị di động tại Việt Nam nhiễm mã độc

Qua theo dõi, Cục An toàn thông tin cho biết tỷ lệ nhiễm mã độc của máy tính và các thiết bị di động lên đến 71,38%, tuy nhiên chỉ có 11% người dân là nhận thức được bị tấn công.
Hơn 71% máy tính và thiết bị di động tại Việt Nam nhiễm mã độc ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua đã có hơn 4,77 triệu lượt địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng máy tính nhiễm virus (botnet).

Đáng lo ngại là có đến 1.020 trang web nhiễm virus đang thu thập thông tin cá nhân người dùng Việt Nam. Bên cạnh đó, địa chỉ IP của Việt Nam phát tán thư rác đi các nước lên tới 12.685 địa chỉ.

Thống kê của Cục An toàn thông tin cũng chỉ ra rằng các thiết bị di động đang là mục tiêu lớn nhất của xu hướng tấn công mới hiện nay nhằm các mục đích như nghe lén thông tin, giả mạo thông tin, tấn công tài chính, đánh cắp dữ liệu, tấn công thiết bị khác.

Hãng bảo mật Trend Micro gần đây công bố Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á về tấn công mạng với hơn 86 triệu email có nội dung đe dọa được phát hiện trong nửa đầu năm 2018. Việt Nam nằm trong số 20 nước bị nhiễm mã độc tống tiền nhiều nhất.

[Chống tin tặc tấn công leo thang, chiếm quyền điều khiển máy chủ]

Qua theo dõi, Cục An toàn thông tin cho biết ở Việt Nam, cứ 1 giây xảy ra khoảng 170 cuộc tấn công mạng thì có 3 cuộc tấn công mạng có chủ đích, 4 mã độc được phát tán. Tỷ lệ nhiễm mã độc của máy tính và các thiết bị di động lên đến 71,38%, tuy nhiên chỉ có 11% người dân là nhận thức được bị tấn công.

Cục trưởng Cục An toàn Thông tin Nguyễn Thanh Hải nhận định tại Việt Nam, công tác đảm bảo an toàn thông tin hiện còn nhiều thách thức do sự thiếu hụt về nhân lực, nhận thức chưa đầy đủ của nhiều cá nhân, tổ chức đã vô tình tạo ra các điểm yếu, để xảy ra các sự cố.

Hơn 90% sự cố mất an toàn thông tin xảy ra là do yếu tố con người, trong đó chủ yếu là do nhận thức về các nguy cơ mất an toàn thông tin với số đông người dân Việt Nam còn chưa cao.

Ngoài ra, tỷ lệ phần mềm bản quyền nói chung, phần mềm phòng, chống, ngăn chặn mã độc hại có bản quyền nói riêng còn thấp, sử dụng các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin chưa đúng cách, đúng loại.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục