Ban Quản lý dự án đường sắt vừa trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định và phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội-Vinh với nguồn vốn hơn 850 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội-Vinh trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh có địa điểm xây dựng qua địa phận các tỉnh (thành phố) Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.
Phạm vi dự án có có điểm đầu tại ga Hà Nội (Km000+000), điểm cuối tại ga Vinh (Km319+202), với tổng chiều dài khoảng 319km nhưng không bao gồm các hạng mục đã được đầu tư trong dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội-Vinh sử dụng vốn trung hạn 2016-2020 (thuộc gói 7.000 tỷ đồng).
Dự án có giá trị tổng mức đầu tư dự kiến hơn 854 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư sử dụng ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Thời gian dự kiến thực hiện dự án trong 3 năm, giai đoạn 2022-2025.
Về quy mô, dự án cải tạo, nâng cấp 10 cầu yếu; nâng cấp kiến trúc tầng trên (thay ray, tà vẹt, đá ba lát...) 8 đoạn, chiều dài khoảng 24km; cải tạo bình diện tại 7 vị trí có bán kính đường cong nhỏ, chiều dài khoảng 7km; xây dựng cầu đường bộ trên Quốc lộ 45 vượt đường sắt tại vị trí đường ngang tại Km187+950 để xử lý điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.
[Ngành đường sắt kiến nghị hơn 4.700 tỷ đồng cải tạo hầm, cầu yếu]
Trong những năm vừa qua, ngành đường sắt có dự án cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh với tổng kinh phí đầu tư 7.000 tỷ đồng tập trung xây dựng mới, cải tạo trên 100 cầu yếu; cải tạo, nâng cấp khoảng 30 nhà ga, mở mới 7 ga; cải tạo, nâng cấp hơn 200km đường sắt; gia cố vỏ hầm kết hợp thay thế kiến trúc tầng trên khoảng 10 hầm yếu trên tuyến…
Trong đó, dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội-Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư hơn 1.398 tỷ đồng./.