Sáng 25/6 (giờ địa phương), chính quyền Honduras đã ban bố lệnh giới nghiêm tại hai thành phố miền Bắc nước này sau khi 22 người bị bắn chết trong khoảng thời gian từ đêm 24 rạng sáng 25/6.
Người phát ngôn lực lượng cảnh sát Honduras Edgardo Barahona cho biết đêm 24/6, một nhóm người đã xả súng trong một quán chơi billards tại thành phố công nghiệp Choloma, khiến 11 nạn nhân thiệt mạng và ba người khác bị trọng thương.
Cũng trong đêm 24 rạng sáng 25/6, hoàng loạt vụ xả súng khác đã xảy ra tại khu vực Valle de Sula thuộc miền Bắc Honduras, trong đó có thành phố công nghiệp chủ chốt San Pedro Sula, khiến tổng cộng 11 người thiệt mạng.
Tổng thống Honduras Xiomara Castro ngay sau đó đã ban bố lệnh giới nghiêm tại thành phố Choloma trong 15 ngày, có hiệu lực ngay lập tức, trong khoảng thời gian từ 21h hôm trước đến 4h sáng hôm sau (giờ địa phương).
[Ít nhất 41 người thiệt mạng sau vụ bạo loạn nhà tù tại Honduras]
Đối với thành phố San Pedro Sula, lệnh giới nghiêm sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 4/7. Hiện nay, chính quyền Honduras đang huy động tổng lực cho công tác điều tra làm rõ các vụ việc nêu trên.
Bên cạnh đó, chính quyền Honduras còn trao thưởng 800.000 Lempira (khoảng 32.707 USD) cho bất cứ người nào giúp nhận dạng và bắt giữ các nghi phạm thực hiện vụ xả súng tại thành phố Choloma.
Trên thực tế, từ tháng 12/2022, chính quyền Honduras đã bắt đầu ban bố tình trạng khẩn cấp tại một số địa phương nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực diễn ra ngày càng nghiêm trọng tại quốc gia Trung Mỹ này.
Những cuộc tấn công bạo lực đẫm máu nêu trên xảy ra sau vụ bạo loạn hôm 20/6 tại một nhà tù dành cho phạm nhân nữ ở Tamara, cách thủ đô Tegucigalpa khoảng 25km về phía Bắc, khiến 41 người thiệt mạng.
Theo cảnh sát Honduras, các thành viên của một băng nhóm đã lao vào phòng giam của nhóm đối địch, sau đó phóng hỏa, khiến nhiều tù nhân tử vong do bỏng nặng.
Bạo lực băng nhóm là một trong những vấn đề nổi cộm ở Honduras.
Cùng với các nước láng giềng El Salvador và Guatemala, Honduras tạo thành cái gọi là “tam giác chết” ở Trung Mỹ, nơi các băng nhóm giết người (maras) kiểm soát hoạt động buôn bán ma túy và tội phạm có tổ chức.
Các băng nhóm này là nguyên nhân chính khiến số vụ giết người ở Honduras người tăng vọt, với tỷ lệ 40 vụ giết người/100.000 dân hồi năm ngoái, cao gấp bốn lần so với mức trung bình của thế giới./.