Chính quyền Khu hành chính Đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cho biết từ ngày 25/10, chính quyền khu hành chính này sẽ chính thức cấp thị thực (visa) làm việc cho người Việt Nam, đồng thời nới lỏng hạn chế visa cho người Việt Nam sang làm ăn và du lịch (visa nhiều lần).
Trước đó, Hong Kong đã mở visa cho sinh viên Việt Nam sang học tập vào năm 2021. Đây được coi là dấu mốc quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Hong Kong.
Tổng lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong Phạm Bình Đàm cho biết Hong Kong là một nền kinh tế phát triển, là trung tâm tài chính quốc tế, cũng là nơi đặt trụ sở của rất nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia. Với tính chất đó, Hong Kong sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, người lao động Việt Nam.
Do một số khó khăn, vướng mắc nên trước đây Hong Kong duy trì chính sách hạn chế visa đối với người lao động, doanh nhân và khách du lịch Việt Nam. Điều này đã ít nhiều gây cản trở việc thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam và Hong Kong.
Trong khi đó về kinh tế và thương mại, hai bên là đối tác thứ 10 của nhau. Các nhà đầu tư Hong Kong là những người đầu tiên đến Việt Nam sau khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, nền kinh tế hai bên có sự bổ trợ lẫn nhau rất lớn.
Chính vì vậy, với chính sách mở cửa thị trường lao động đối với Việt Nam trong bối cảnh Hong Kong đang thiếu nhân lực trên nhiều lĩnh vực, còn người lao động Việt Nam lại có đủ điều kiện đáp ứng, sẽ tạo ra nhiều cơ hội về việc làm cho người lao động và doanh nghiệp khai thác thị trường Hong Kong.
Theo ông Phạm Bình Đàm, với vai trò của cơ quan đại diện ngoại giao là đề xuất sáng kiến, góp phần tạo khuôn khổ hợp tác, thúc đẩy mở cửa thị trường, trong hơn 2 năm qua, Tổng lãnh sự quán đã tập trung tháo gỡ điểm nghẽn này, theo đó đã từng bước thúc đẩy chính quyền Hong Kong mở visa cho lao động, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân Việt Nam có thể đi lại dễ dàng qua Hong Kong tìm kiếm cơ hội làm việc, kinh doanh tại trung tâm quốc tế này.
Đồng thời, Tổng lãnh sự quán đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở Việt Nam để cùng thúc đẩy, khắc phục khó khăn, nhất là vấn đề liên quan đến người Việt cư trú bất hợp pháp và hồi hương người Việt bất hợp pháp bị trục xuất.
Sau quá trình vận động, với sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan chức năng hai bên, sự đồng tình hưởng ứng của các giới, đặc biệt là giới doanh nghiệp tại Hong Kong, kết quả là ngày 25/10, Trưởng đặc khu Lý Gia Siêu đã chính thức quyết định mở visa làm việc cho người Việt Nam.
Theo ông Phạm Bình Đàm, có thể nói đây là một giai đoạn mới, cho phép các doanh nghiệp, người dân Việt Nam sang Hong Kong đặt công ty, khởi nghiệp (start-up), tìm kiếm cơ hội việc làm, các công ty có thể tìm hiểu thị trường vốn để khai thác dịch vụ tài chính của Hong Kong cần cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.
Phó Giáo sư Nguyễn Tuấn Anh - công tác tại Khoa Khoa học Sự sống thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST) chia sẻ một trong những ưu tiên của nhiều sinh viên Việt Nam khi chọn Hong Kong làm điểm đến học tập là tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp, việc hạn chế visa làm việc trước đây đã gây khó khăn không nhỏ.Ngoài ra, việc Hong Kong cấp visa làm việc cho người Việt Nam sẽ thúc đẩy sự hợp tác, trao đổi học thuật và nghiên cứu giữa hai bên.
[Đánh giá cao việc Hong Kong nới lỏng thị thực với công dân Việt Nam]
Trước đây, việc mời những người tài năng Việt Nam đến Hong Kong học tập và trao đổi nghiên cứu trong thời gian ngắn từ vài ngày đến vài tuần dường như là không khả thi, việc mở visa làm việc cho người Việt Nam sẽ tạo ra một bước đột phá lớn về hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Hong Kong.
Phó Giáo sư Nguyễn Tuấn Anh cho biết đầu năm 2024 sẽ mời một số nghiên cứu sinh ở trường Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội đến HKUST thực hiện nghiên cứu ngắn hạn đề tài hợp tác giữa hai trường.
Tiến sỹ Nguyễn Phương Anh - Chuyên viên nghiên cứu tại Công ty Zeta Motion Hong Kong cho biết những năm gần đây, chính quyền Hong Kong có sự thay đổi chính sách, ngoài là trung tâm tài chính quốc tế còn muốn trở thành trung tâm công nghệ nên đã đầu tư nhiều để hỗ trợ về mảng công nghệ. Hiện tại Hong Kong đặc biệt thiếu các lập trình viên.
Tiến sỹ Nguyễn Phương Anh hy vọng với việc Hong Kong cấp visa làm việc cho người Việt Nam, người lao động Việt Nam sẽ có được cơ hội tiếp xúc với môi trường có tính quốc tế, cởi mở.
Hong Kong vốn là một nền kinh tế phát triển, từ lâu đã là trung tâm tài chính quốc tế, có khoa học công nghệ, giáo dục phát triển.
Quan hệ giữa Việt Nam và Hong Kong luôn được duy trì và phát triển mạnh trong những năm gần đây.
Vì vậy, có thể tin rằng việc Hong Kong chính thức cấp visa làm việc cho người Việt Nam, đồng thời nới lỏng hạn chế visa cho người Việt Nam sang làm ăn và du lịch (visa nhiều lần) sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm, kinh doanh cho người lao động và doanh nghiệp Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai bên ngày càng phát triển./.