Họp HĐND tỉnh Lai Châu: Nóng tình trạng khai thác khoáng sản trái phép

Theo các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu, thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn hoạt động khai thác khoảng sản trái phép ở một số địa phương như khai thác vàng gốc.
Quang cảnh Kỳ họp thứ X, Hội đồng nhân dân khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Kỳ họp thứ 10, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu khóa XIV tiếp tục diễn ra sáng 23/7 với phiên chất vấn và trải lời chất vấn.

Nhiều nội dụng được các đại biểu chất vấn Ủy ban Nhân dân tỉnh và các sở, ngành địa phương, trong đó nổi bật là nội dung khai thác khoáng sản trái phép tràn lan, gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự địa bàn đã làm nóng nghị trường.

Theo các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu, thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn hoạt động khai thác khoảng sản trái phép ở một số địa phương như khai thác vàng gốc tại khu vực giáp ranh các xã Mù Cả, Tà Tổng, Nậm Khao, huyện Mường Tè; vàng sa khoáng tại xã Vàng San, Nậm Cuổi, Hua Bum tại các huyện Mường Tè, Sìn Hồ và Nậm Nhùn; đất hiếm tại xã Bản Hon, huyện Tam Đường; cát, sỏi, đá tại các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên...

Tình trạng khai thác trái phép khoáng sản, vật liệu xây dựng trái phép trên địa bàn đang diễn ra rất phức tạp và có dấu hiệu của việc bao che, buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở. Một số tổ chức, cá nhân núp bóng khai thác thăm dò, tận thu đã hết hạn giấy phép, nhưng vẫn khai thác, gây thất thu thuế, mất an ninh trật tự địa bàn, bức xúc, mất lòng tin nơi người dân.

[Xử phạt doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên và khoáng sản]

Về vấn đề này, ông Giàng A Tính, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu cho biết trước thực trạng khai thác trái phép của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, từ cuối năm 2018 đến nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu đã ký 3 văn bản chỉ đạo có phương án khai thác khoảng sản chưa khai thác; quản lý khai thác cát, sỏi trên địa bàn; kiểm tra xử lý, giải tỏa dứt điểm các điểm khai thác khoảng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các sở, ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền các địa phương có tình trạng khai thác trái phép thành lập nhiều đoàn công tác kiểm tra, xử lý dứt điểm những tổ chức, cá nhân vi phạm và yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường quản lý địa bàn.

Theo ông Nguyễn Bảo Đông, đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu, quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cấp xã phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh thời gian qua, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương, nơi để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Một phần trách nhiệm trong đó cũng thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu trong công tác quản lý nhà nước, đã không đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo ngăn chặn kịp thời.

“Để xảy ra tình trạng khai thác vàng sa khoáng, cát, đá, sỏi, vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh hiện nay, cho thấy công tác quản lý chưa chặt chẽ và trách nhiệm của địa phương cũng chưa cao. Vẫn còn tình trạng cấp phép thăm dò khai thác và sau khi hết phép thăm dò cũng không có văn bản hay quyết định dừng hay là tiếp tục cấp phép cho khai thác. Tình trạng này diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Mong rằng thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ có chỉ đạo quyết liệt đối với các địa phương, các sở, ngành để tình trạng này không còn diễn ra như vậy nữa” - đại biểu Nguyễn Bảo Đông nêu ý kiến.

Tại phiên trả lời chất vấn, ông Giàng A Tính, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu cho biết thêm trước mắt, giải pháp của Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, chú trọng vào địa bàn các huyện: Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường; tăng cường kiểm tra, giải tỏa triệt để, không để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng trái phép; gắn trách nhiệm người đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, trong lĩnh vực quản lý.

Về lâu dài, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu giao cho các sở Xây dựng, Công Thương chủ trì phối hợp với Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố rà soát, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến các điểm mỏ đủ điều kiện cấp phép hoạt động để đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước và thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan chức năng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục