Ngày 4/6, ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông ký công văn số 2579/UBND-KTN về việc kiểm tra, xác minh hoạt động khai thác quặng thiếc trong khu vực rừng do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông quản lý tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khẩn trương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân huyện Đắk G’Long, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung và các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh hoạt động khai thác thiếc trong khu vực rừng do cơ quan này quản lý và báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh trước ngày 15/6.
Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý nghiêm hoạt động khai thác quặng trái phép và báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh.
[Công ty khai khoáng ở Yên Bái 'biến' ruộng lúa thành đồng hoang]
Trước đó, nhận được thông tin tại khu vực suối giáp ranh với Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (thuộc khu rừng do Bộ Chỉ huy Quân sự Đắk Nông trực tiếp quản lý) có hoạt động khai thác quặng trái phép, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông đã gửi giấy mời các cơ quan liên quan đi kiểm tra, xác minh.
Tuy nhiên đến ngày đoàn công tác đi xác minh (29/5), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông không cử cán bộ tham gia cùng đoàn công tác.
Theo ông Đàm Quang Trung, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, đoàn công tác phải đi qua trạm gác mới đến được khu vực khai thác quặng trái phép nhưng cán bộ trạm gác không cho đoàn công tác đi qua cổng, lý do là chưa nhận được chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian qua, một số đối tượng đã mang nhiều phương tiện, máy móc cơ giới lớn vào khu vực suối trong rừng do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông quản lý để khai thác khoáng sản trái phép.
Các đối tượng khai thác kim loại (được cho là thiếc), hoạt động khai thác trái phép bắt đầu khoảng giữa tháng 2/2019.
Theo một số nguồn tin, vào đầu tháng 5/2019, hoạt động khai thác quặng của các đối tượng vẫn rất rầm rộ, trong bãi quặng khai thác lậu luôn có trên dưới 10 người tham gia. Các đối tượng khai thác công khai, quy mô lớn với sự tham gia của nhiều người và máy móc cơ giới.
Để đến được khu vực khai thác quặng trái phép, phải đi bộ hơn 10km từ một con đường nhỏ (chỉ đi bộ hoặc bằng xe gắn máy) giáp ranh giữa Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung và rừng do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông quản lý.
Trên con đường vào bãi khai thác lậu, rất dễ dàng nhận thấy dấu vết của việc mở rộng đường để các loại máy móc cơ giới lớn vào khai thác. Các đối tượng khai thác đã san ủi để mở rộng đường vào bãi quặng.
Tại một số khu vực, taluy đường được máy múc đào cao 3-4m. Việc sử dụng các phương tiện máy móc san ủi đường đã làm gãy đổ, bật gốc hàng trăm cây rừng trong đó có nhiều cây gỗ lớn.
Tại hiện trường khai thác, một số quặng mới được khai thác chất cao, một chiếc máy sàng lọc quặng còn nằm chơ vơ trên mặt đất, nhiều dấu vết khai thác quặng từ suối.
Những dấu vết tại hiện trường cho thấy các đối tượng khai thác lậu đã dựng một lán trại khoảng 30m2, đổ ximăng nền; có các khu vực vệ sinh và thậm chí một số loại rau được trồng để phục vụ cuộc sống cho người khai thác.
Khu vực khai thác quặng lậu rộng khoảng 5ha. Trong diện tích này có nhiều cây rừng nằm sát ven suối, sình lầy bị các đối tượng đốn hạ, hiện trường sau khai thác chỉ còn lại hai hồ nước lớn.
Hiện tại, các loại máy móc đã rút hết khỏi khu vực bãi quặng nhưng căn cứ vào những dấu vết trên hiện trường, các đối tượng đã rút đi không lâu.
Việc xác định các đối tượng khai thác khoáng sản lậu trong khu vực này còn nhiều khuất tất. Để vào bãi quặng khai thác lậu chỉ có ba con đường, trong đó có hai con đường đi trực tiếp và bắt buộc phải qua lâm phần, doanh trại do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông quản lý, một đường đi qua chốt Kiểm lâm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung.
Tuy nhiên, chỉ có một con đường dễ dàng và đủ lớn để đưa các loại máy móc, phương tiện cơ giới lớn vào bãi khai thác quặng là đi qua cổng chính do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông quản lý và nhiều khả năng, các đối tượng khai thác quặng lậu đã đi qua con đường này./.