Họp mặt các vị sư sãi, người có uy tín trong đồng bào Khmer

Ngày 30/7, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với tỉnh Kiên Giang tổ chức họp mặt các vị sư sãi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer.
Ảnh minh họa. Sư sãi Khmer tổ chức các lớp giảng dạy chữ Khmer cho học sinh là con em đồng bào Khmer. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 30/7, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với tỉnh Kiên Giang tổ chức họp mặt các vị sư sãi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer tại huyện Châu Thành (Kiên Giang).

Ông Sơn Phước Hoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và đại diện lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, tỉnh Kiên Giang cùng đông đảo các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức, sư sãi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh tham dự.

Nói chuyện với các vị sư sãi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan khẳng định vai trò, trách nhiệm của đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Thông tin một số vấn đề về tình hình thời sự trong nước và thế giới; vấn đề Biển Đông; chủ quyền biên giới, biển đảo; vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc; chính sách tôn giáo và các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số đồng thời kêu gọi đồng bào dân tộc thiểu số vững lòng tin vào sự lãnh đạo, đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong xây dựng phát triển, bảo vệ đất nước; cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng bào dân tộc thiểu số cần nêu cao ý thức tự lực, tự cường, đoàn kết, tương thân, tương ái; hỗ trợ và giúp nhau trong phát triển kinh tế gia đình, quyết tâm xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan yêu cầu tỉnh Kiên Giang cần tập trung lãnh đạo về cơ chế chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc sinh sống, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; Thực hiện hiệu quả chiến lược về công tác dân tộc đến năm 2020; giải quyết thấu tình, đạt lý yêu cầu bức xúc, chính đáng của đồng bào dân tộc, tín đồ tôn giáo…

Tại buổi họp mặt, các các vị sư sãi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng của mình đồng thời đóng góp nhiều ý kiến về giáo dục, y tế; xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; bảo tồn bản sắc văn hóa Khmer Nam Bộ... ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục