Theo trang mạng globaltimes.cn, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar khẳng định mối quan hệ Trung-Ấn đang trải qua một “giai đoạn rất khó khăn.”
Ông cáo buộc Trung Quốc triển khai lượng lớn binh sỹ đến sát và thậm chí vượt qua Đường Kiểm soát thực tế (LAC) - đường biên giới chính thức giữa 2 nước - mà không đưa ra lời giải thích.
Tuy nhiên, ông Jaishankar cũng cho biết trong cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị rằng “tôi đã nói với ông ấy rằng cách tốt nhất mà bạn có thể giúp là xem xét những khó khăn mà một số công ty của Ấn Độ đặt hàng (thiết bị y tế) từ Trung Quốc đang gặp phải. Sau cuộc nói chuyện này, mọi thứ ngay lập tức có biến chuyển.”
Tuyên bố trên của Ngoại trưởng Jaishankar phản ánh lập trường của nhiều sỹ quan cấp cao Ấn Độ liên quan đến quan hệ Trung-Ấn hiện nay, cho thấy Ấn Độ có thái độ rất bi quan về khả năng sớm đưa quan hệ Trung-Ấn trở lại như trước khi xảy ra tranh chấp biên giới.
Trên thực tế, quan hệ giữa hai gã khổng lồ ở châu Á quả thực đang ở giai đoạn hết sức khó khăn. Trao đổi chính trị và sự tin tưởng lẫn nhau đã giảm sút nghiêm trọng. Giao lưu kinh tế và văn hóa cũng bị ảnh hưởng.
Mặc dù quá trình đàm phán tháo gỡ bế tắc trong quan hệ giữa hai nước vẫn đang tiếp tục, nhưng xung đột và các vấn đề tồn đọng dọc theo biên giới phía Tây Trung Quốc với Ấn Độ vẫn chưa được giải quyết triệt để.
[Quan hệ Trung-Ấn: Tiềm ẩn nguy cơ leo thang nhưng không vượt kiểm soát]
Sau khi Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu rút quân khỏi khu vực biên giới, toàn bộ khu vực nhìn chung vẫn hòa bình và ổn định. Hai bên vẫn duy trì liên lạc chặt chẽ thông qua các kênh ngoại giao và quân sự. Cả hai bên cũng chung quan điểm không muốn xung đột bùng phát.
Trong khi Trung Quốc cung cấp máy tạo oxy cho Ấn Độ, Tổng Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ Manoj Mukund Naravane hôm 27/4 đã có chuyến thị sát đánh giá năng lực sẵn sàng hành động của Quân đội Ấn Độ ở phía Đông Ladakh.
Một số nhà quan sát Trung Quốc lo ngại tình hình dịch bệnh khủng khiếp ở Ấn Độ có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng xã hội lớn ở nước này, và do đó, Chính phủ Ấn Độ thậm chí có thể cố tình tạo ra xung đột biên giới để chuyển sự chú ý của người dân khỏi các cuộc khủng hoảng trong nước.
Tuy nhiên, xét bối cảnh tình hình dịch bệnh hiện nay ở Ấn Độ quá nghiêm trọng, chính quyền Modi sẽ chủ yếu tập trung vào việc ngăn chặn virus tiếp tục lây lan. Ấn Độ sẽ không dư thừa sức mạnh và nguồn lực quân sự để gây ra xung đột ở khu vực biên giới, vì một số nguồn lực quân sự sẽ được huy động để giúp kiểm soát dịch bệnh.
Theo truyền thông Ấn Độ đưa tin hồi đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đang xem xét triển khai quân đội tới Delhi để xử lý tình hình dịch bệnh hiện nay.
Vào thời điểm này, trước thái độ cứng rắn của Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ sẽ không vội vàng có những hành động ở khu vực biên giới. Khó có khả năng Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra xung đột biên giới tương tự như hồi năm ngoái.
Sau khi Ấn Độ bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, Trung Quốc đã cung cấp cho Ấn Độ một số lượng lớn vật tư thiết yếu để chống dịch, và Ngoại trưởng Jaishankar cũng ghi nhận những kết quả tích cực từ sự giúp đỡ của Trung Quốc.
Trong cuộc điện đàm hôm 30/4 vừa qua với Vương Nghị, Jaishankar đã cảm ơn thiện chí và sự đoàn kết của Trung Quốc, cũng như sự hỗ trợ Ấn Độ trong việc mua các vật tư y tế để chống COVID-19. Ông cũng cho biết Ấn Độ sẵn sàng tăng cường hơn nữa hợp tác chống đại dịch với Trung Quốc.
Đây là phản ứng tích cực hơn nhiều từ Chính phủ Ấn Độ so với thái độ trước đây của nước này đối với sự hỗ trợ của Trung Quốc. Đây có thể được xem là một bước tiến quan trọng.
Một bộ phận người dân Ấn Độ không nên hiểu lầm thiện chí của Trung Quốc. Trong thời đại của cộng đồng toàn cầu với một tương lai chung cho nhân loại, Trung Quốc đã cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho Ấn Độ trên quan điểm đạo đức.
Trung Quốc không mong đợi Ấn Độ thực hiện cái gọi là nhượng bộ địa chính trị, điều này sẽ quá hạn hẹp. Thay vào đó, Trung Quốc hy vọng sẽ có nhiều người sáng suốt và lý trí hơn ở Ấn Độ, những người có thể hiểu và đánh giá cao thiện chí của Trung Quốc, thay vì đánh giá sự ủng hộ của Trung Quốc bằng những thành kiến địa chính trị không cân bằng. Trên thực tế, chính trị là một trong những lý do quan trọng nhất khiến dịch bệnh COVID-19 ở Ấn Độ tiếp tục lan rộng.
Đúng sai ở khu vực biên giới Trung-Ấn đã được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, Ấn Độ dường như luôn không thể thỏa hiệp với Trung Quốc trong những vấn đề tranh chấp và mâu thuẫn và nước này đang đổ lỗi cho Trung Quốc (trong việc gây ra đại dịch).
Do tình trạng bế tắc ở biên giới kéo dài, nên ở Ấn Độ vẫn còn tồn tại bầu không khí chống Trung Quốc rất mạnh mẽ. Nhưng vì những lý do thực tế, Chính phủ Ấn Độ cũng đang tìm kiếm cơ hội để xoa dịu quan hệ với Trung Quốc. Ngoài ra, sự hợp tác giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong cuộc chiến chống COVID-19 có thể giúp mối quan hệ giữa hai nước bớt căng thẳng.
Tuy nhiên, như Jaishankar đã nói, quan hệ Trung-Ấn đang trải qua một “giai đoạn rất khó khăn.” Có nhiều tranh chấp lịch sử và thực tế tồn tại giữa hai nước. Cũng sẽ không thực tế nếu hy vọng rằng căng thẳng giữa Bắc Kinh và New Delhi sẽ được xoa dịu đáng kể nhờ sự hợp tác chống COVID-19. Dù sao cũng không phải trong ngắn hạn./.