Theo trang mạng eurasiareview.com, Trung Quốc và Nga đều đang hiện đại hóa sức mạnh hải quân và lên kế hoạch vì lợi ích hải quân và hàng hải của họ theo những cách mới.
Hai nước đã thông báo mở thêm tuyến đường biển Bắc Cực để phục vụ các lợi ích thương mại và an ninh; tiến hành các cuộc tập trận hàng hải chung ở Thái Bình Dương liên quan đến chia sẻ chiến lược hải quân; cả hai đều có mặt ở Địa Trung Hải và xa hơn; tham gia vào các hoạt động chống cướp biển.
Liệu có một mối quan hệ chiến lược giữa lực lượng hải quân Trung Quốc và Nga?
Cả Trung Quốc và Nga đều duy trì sức mạnh hải quân để hỗ trợ lợi ích quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia của họ trước các hiểm họa hàng hải.
Về mặt lý thuyết, lực lượng hải quân của cả hai nước đều cần đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu địa chính trị đang thay đổi, cũng như duy trì sự hiện diện trong các khu vực có lợi ích quốc gia, chẳng hạn như Bắc Cực.
Khả năng Nga lên kế hoạch tăng cường sức mạnh hải quân trên toàn cầu còn phải bàn cãi, nhưng nhiều khả năng họ củng cố sức mạnh trong khu vực thông qua nhiều chiến dịch tác chiến và triển khai hoạt động ở nhiều vùng biển khác nhau, bao gồm cả Địa Trung Hải.
Các hoạt động hạn chế ở Biển Caribe và Nam Mỹ và khả năng tiến hành các chuyến thăm chính thức các cảng ở nước ngoài không chứng minh được năng lực phô trương sức mạnh của họ. Các cảng ghé của Trung Quốc tại Mỹ Latinh đã hoạt động trong ít nhất hơn chục năm qua.
Điều quan trọng cần nhớ là hoạt động hải quân của Trung Quốc và Nga không giới hạn ở các hành động và năng lực quân sự trực tiếp mà còn nhằm hỗ trợ an ninh công cộng, kinh tế và khu vực cũng như sự phát triển của công nghệ. Hành động của họ mang lại khả năng tiềm tàng cho các cuộc chiến chống khủng bố và cướp biển, hỗ trợ cả bảo vệ tài nguyên biển của Trung Quốc và Nga, và được sử dụng để thể hiện sự hiện diện về an ninh ở các khu vực mà cả hai nước coi là quan trọng vĩnh viễn.
Kế hoạch mở rộng lực lượng hải quân của Trung Quốc và Nga dường như rất quyết đoán và, với sự hợp tác ngày càng tăng trong một loạt vấn đề an ninh trên khắp đại lục Á-Âu, Mỹ Latinh và châu Phi, hai nước có thể tự nhận thấy họ ngày càng thân thiết với nhau hơn. Khả năng cả hai quốc gia liên kết quân sự ngày càng trở nên rõ ràng về mặt tư duy chiến lược.
[Lãnh đạo Nga-Trung Quốc ra tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh]
Hai nước dường như đang hướng tới hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong các giai đoạn khác nhau của tiến trình quân sự, từ nghiên cứu đến mua sắm vũ khí và tham gia các cuộc tập trận và hoạt động chung.
Khả năng Nga-Trung hoạt động cùng nhau, vốn đã được thực hiện ở Thái Bình Dương thông qua các cuộc tập trận hàng hải chung lớn, có khả năng sẽ được chuyển sang hợp tác sâu rộng hơn về dự báo an ninh hàng hải. Hoạt động sản xuất và thiết kế vũ khí của Trung Quốc và Nga cho thấy sự tương đồng giữa hai nước.
Ngày nay, cả Trung Quốc và Nga đều bận rộn với những chuyển động ở Bắc Cực và một số trung tâm quan trọng ở châu Phi. Rất có thể trong trường hợp khẩn cấp hoặc thảm họa hàng hải, hải quân của cả hai nước sẽ hiện diện ngay lập tức.
Trung Quốc đang thực hiện một loạt hành động gây bất ổn để đánh dấu sự hiện diện của họ trên phạm vi toàn cầu. Hơn 300 tàu mặt nước và 66 tàu ngầm tạo thành một lực lượng hải quân lớn với các trang thiết bị điều khiển điện tử và hệ thống vũ khí tối tân, đặc biệt là sau năm 2030, khi hạm đội Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ tăng lên trên 500 tàu mặt nước và 100 tàu ngầm.
Như vậy, một lực lượng hải quân tiên tiến đang hình thành, có thể được triển khai theo những cách mới trong vòng vài năm nữa, tăng cường năng lực của hải quân Trung Quốc để bao gồm việc xây dựng các trạm không quân của hải quân ở Biển Đông trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Tuyên bố về một khu vực nhận dạng phòng không ở Biển Hoa Đông gần Nhật Bản, tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku và việc Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của Tòa thường trực La Haye - cơ quan trọng tài luật pháp quốc tế lâu đời nhất thế giới - cho thấy quan điểm của Trung Quốc về chủ quyền trên biển.
Những hành động này của Trung Quốc phù hợp với những mong muốn chiến lược của Nga về mặt khái niệm chủ quyền và sự cần thiết phải có sự hiện diện chiến lược. Ở đây, "cuộc hôn nhân" giữa Bắc Kinh và Moskva về mặt chiến lược toàn cầu được thực hiện vì các tuyến hàng hải là chìa khóa cho sự gia tăng sức mạnh liên tục của hai quốc gia này nhằm lôi kéo các quốc gia khác về phía Đông.
Sự pha trộn của các lợi ích địa chiến lược tương xứng, tin tưởng vào khả năng mở rộng phạm vi và ảnh hưởng, và lợi ích của Nga-Trung trên khắp các châu lục đang hợp nhất theo thời gian.
Sáng kiến "Vành đai và Con đường," Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và các liên kết BRICS đang tiếp tục thắt chặt hợp tác giữa hai quốc gia. Quá trình hợp tác này thúc đẩy các nhu cầu hàng hải, dựa trên mối quan hệ giữa hậu cần và kết nối giúp phát triển tương lai của cả hai nước.
Các khái niệm an ninh quốc gia của cả Trung Quốc và Nga đang hợp nhất vì lợi ích chung. Khả năng Moskva tiến hành các hoạt động thông qua "mối liên kết quân sự" với Bắc Kinh sắp xảy ra./.