Hợp tác trong phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Thực hiện bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng cục Thủy sản và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khoảng 192 tấn và 127 triệu con giống các loại đã được thả phóng sinh trong giai đoạn 2017-2020.
Hợp tác trong phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ảnh 1Cán bộ Chi cục Thủy sản Hòa Bình vớt cá giống từ bè để thả cá nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản tại vùng hồ Hòa Bình, ngày 12/8/2021. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)

Chiều 29/3, Tổng cục Thủy sản và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai bản ghi nhớ trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021-2025.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, đầu năm 2017, Tổng cục Thủy sản và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực thả giống phóng sinh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2017-2020.

Sau 4 năm thực hiện bản ghi nhớ hợp tác một cách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đã nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của tăng ni, phật tử và người dân trong hoạt động thả giống phóng sinh loài thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái, đa dạng sinh học thông qua nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, có ý nghĩa và hiệu quả; hình thành được phong trào phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Thủy sản, lễ Phật đản, lễ Vu Lan và các ngày lễ lớn trong năm của Phật giáo.

Hoạt động phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản được thực hiện một cách có định hướng, có hướng dẫn cả về nội dung và kỹ thuật, tạo được sự lan tỏa tích cực và rộng khắp trên phạm vi cả nước. Cơ bản ngăn chặn, giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ được trường hợp thả phóng sinh các loài thủy sản ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các thủy vực...

Báo cáo của Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho thấy, đến nay, các địa phương trên cả nước đã tổ chức được gần 2.300 lớp tập huấn, với khoảng 71.000 người tham gia, trong đó Sóc Trăng, Hậu Giang, Ninh Bình, Nam Định đã lồng ghép được các nội dung tuyên truyền về phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các buổi thuyết pháp của các tự viện.

Trong giai đoạn năm 2017-2020, hai bên đã phối hợp tổ chức được gần 200 buổi lễ thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tổng số lượng giống thủy sản đã được thả phóng sinh đạt khoảng 192 tấn và 127 triệu con giống các loại, trong đó có nhiều loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm như cá bỗng, lăng, chiên, hô, thát lát, song, trà sóc... và nhiều loài có giá trị kinh tế (trắm, chép, tra, tôm sú, cua xanh, vược...)

[Vươn khơi khai thác xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản]

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hoạt động thả giống phóng sinh là hoạt động thường xuyên, liên tục của phật tử.

Việc ký kết phối hợp giữa Tổng cục Thủy sản và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo nguồn thủy sản là hoạt động sáng tạo, có sự lan tỏa tốt, đi vào chiều sâu, vừa gìn giữ được truyền thống phóng sinh cầu an, vừa góp phần tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Trong quá trình hợp tác, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm của Tổng cục Thủy sản, qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tăng ni, phật tử và người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thông qua hoạt động thả giống phóng sinh, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học; ngăn chặn, giảm thiểu sự phát tán những loài thủy sản ngoại lai gây hại hay những loài không phù hợp ra môi trường.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban Thông tin-Truyền thông của Giáo hội, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố làm tốt hơn công tác phối hợp, có thể xây dựng chuyên mục chuyên sâu về phóng sinh trên kênh Truyền hình An Viên của Giáo hội để lan tỏa rộng rãi hoạt động này, đáp ứng được niềm tin tâm linh, thực hành lòng từ bi của đạo Phật, đồng thời làm tốt hơn việc tái tạo, làm phong phú nguồn lợi thủy sản.

Hợp tác trong phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ảnh 2Hơn 80 vạn con tôm sú giống được thả về môi trường tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, tại cửa sông Nhật Lệ (Quảng Bình) ngày 1/4/2021. (Ảnh: TTXVN)

Tại hội nghị, Tổng cục Thủy sản và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản; đẩy mạnh tuyên truyền về bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; các loài thủy sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại và xâm hại môi trường với các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng phù hợp với thực tế.

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên trong các đợt phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản, tổ chức các địa điểm tập trung thả phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản để người dân thực hành; kết hợp công tác tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau khi thả giống phóng sinh các loài thủy sản.

Đồng thời, phối hợp thực hiện tốt công tác thống kê, báo cáo số lượng, khối lượng, giống loài thủy sản được thả phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản hằng năm tại các đạo tràng, các tự viện, các cơ sở tôn giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Các địa phương sẽ xây dựng, ban hành hướng dẫn, tập huấn, tuyên truyền về kỹ thuật, địa điểm thả, loài thủy sản khuyến khích thả giống phóng sinh phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương để Giáo hội, tăng ni, phật tử và người dân thực hành trên địa bàn quản lý.

Nhân dịp này, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tặng Bằng tuyên dương công đức cho 20 tập thể, 13 cá nhân có thành tích nổi bật trong hoạt động phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2017-2020; 9 tập thể và 7 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 13 tập thể, 8 cá nhân được tặng Giấy khen của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục