Hợp tác Việt Nam-Hà Lan về Quản trị Tài nguyên Nước tại ĐBSCL

Hà Lan có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này và sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, nhất là với các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu.

Hợp tác Việt Nam-Hà Lan về Quản trị Tài nguyên Nước tại ĐBSCL ảnh 1Nước biển đe dọa đê biển Tây Vàm Rầy ở Kiên Giang. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Ngày 11/4, Lãnh sự quán Hà Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm quốc tế “Thương mại ngành Nước, quản trị, tri thức, mô hình kinh doanh-tài chính.”

Hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực nước và môi trường ở Việt Nam, Hà Lan cùng lãnh đạo các sở, trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra nhiều giải pháp về công tác quản lý nước bền vững.

Tại tọa đàm, bà Cora van Nieuwenhuizen, Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý Nước Hà Lan, đánh giá cao việc Việt Nam chú trọng đến các vấn đề về quản lý tài nguyên nước và biến đổi khí hậu. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều nét tương tự đồng bằng châu thổ của Hà Lan nên cần được quan tâm phòng chống xâm ngập mặn và quản lý nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước sạch cho người dân, góp phần thúc đẩy khu vực này phát triển.

[Việt Nam-Hà Lan thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong kinh doanh nông nghiệp]

Bà Cora van Nieuwenhuizen tin tưởng rằng những dự án hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao năng lực hoạt động của cảng sông, giao thông đường thủy, nông nghiệp nông thôn, đảm bảo nguồn cung nước sạch cho người dân nơi đây.

Hà Lan có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này và sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, nhất là với các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu.

Bà Cora van Nieuwenhuizen cho rằng việc tiếp cận quản lý tài nguyên nước theo nguyên lý tôn trọng thiên sẽ góp phần phát triển bền vững và giữ gìn màu xanh, sự sống cho thế hệ tương lai.

Cùng quan điểm, ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, chia sẻ việc không quản trị tài nguyên nước dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn, ngập úng khi đỉnh triều và hạn hán, thiếu nước vào mùa khô.

Dự án Blue Dragon (Rồng Xanh) triển khai ở Đồng bằng sông Cửu Long có sự hỗ trợ của các chuyên gia Hà Lan đã khắc phục phần nào tình trạng trên và việc ô nhiễm môi trường sau khi xây đập chống xâm nhập mặn.

Hiện tại thành phố Cần Thơ đã xây dựng hệ thống quản lý nguồn nước ở huyện Ô Môn và khu vực kênh sáng Xà No, tuy nhiên công trình này cần được tổ chức quản lý, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Làm tốt điều này sẽ giúp người dân thành phố Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang ngăn chặn xâm nhập mặn, lưu trữ nước mưa phục vụ mùa khô.

Theo ông M. Snel, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hà Lan, ngành nước là một ngành quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Để phát triển bền vững, lâu dài cần thiết phải đầu tư về tài chính cho các dự án trung hạn, dài hạn nhằm quản trị nguồn nước hiệu quả.

Từ kinh nghiệm của Hà Lan, ông M. Snel cho rằng các dự án này rất lớn và cần có sự quan tâm và đầu tư từ Chính phủ hai nước để đẩy nhanh việc quản trị tài nguyên nước hiệu quả tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận chuyên sâu về nâng cao năng lực dự án Blue Dragon ở Đồng bằng sông Cửu Long; cấp nước uống sinh hoạt, thiết lập hệ thống cấp nước bền vững tích hợp các yếu tố biến đổi khí hậu và yếu tố địa phương; phát triển đô thị hóa bền vững dựa trên các kiến thức về nước...

Trong năm năm qua hơn 300 chuyên gia, nhà nghiên cứu của Hà Lan đã tổ chức trên 200 hội thảo xoay quanh việc triển khai thực hiện các dự án quản lý nguồn nước, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều tổ chức và chuyên gia Hà Lan đã phối hợp với thành phố Cần Thơ, các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng mô hình hiệu quả của Hà Lan trong việc quản trị, giảm thiểu rủi ro và chống ngập lụt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục