Trong bài trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Nhật Bản JSport, huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam Toshiya Miura đã thẳng thắn chia sẻ những quan điểm, triết lý bóng đá và cách nhìn của cá nhân ông với môi trường bóng đá ở Việt Nam...
"V-League là giải đấu kinh khủng"
- Xin ông cho biết quá trình nhậm chức huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam?
HLV Miura: Tôi được biết thông tin Liên đoàn bóng đá Việt Nam đang tìm huấn luyện viên cho đội tuyển bóng đá thông qua Honda, doanh nghiệp tài trợ của đội, và qua đó biết rằng Liên đoàn rất hoan nghênh những huấn luyện viên người Nhật. Tuy nhiên, quá trình ký hợp đồng diễn ra rất khó khăn, xuất phát từ vấn đề tiền lương hoặc điều gì đó mà tôi không rõ.
Từ trước đến nay, Việt Nam cũng chỉ thường liên hệ với các huấn luyện viên có kinh nghiệm ở các giải Bundesliga, Bồ Đào Nha, với chế độ đãi ngộ phù hợp với lai lịch của họ. Những huấn luyện viên đó cứ nửa năm 1 lần lại bị thay đổi bởi đòi hỏi của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Vì thế, giải đấu AFF Cup 2 năm 1 lần này quan trọng, không giống như Nhật Bản hướng đến giải đấu 4 năm 1 lần.
- Khi đến Việt Nam, ấn tượng mạnh nhất của ông về nền bóng đá đất nước này là gì?
HLV Miura: Nếu nói thẳng thắn, thì V-League là giải đấu kinh khủng. Cầu thủ trên sân không chịu chạy, điều hành giải đấu cũng qua loa. Trận đấu bắt đầu lúc 17 giờ trên mặt sân oi bức. Điều này cũng có lý do của nó. Một là do lên sóng truyền hình 2, 3 trận đấu cùng một lúc. Hai là do lúc 19 giờ có chương trình thời sự nên không thể tổ chức trận đấu. Nói chung là không đảm bảo được khung thời gian phát sóng.
- Xem trận đấu hôm nay thì thấy cầu thủ dù thường xuyên bị việt vị, nhưng vẫn có ý thức chuyền bóng. Sau khi nhậm chức huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam thì ông đã rèn luyện thêm cho cầu thủ kỹ năng này đúng không?
HLV Miura: Tôi đã rèn luyện cho cầu thủ sự gắn kết giữa các vị trí trên sân khi phòng thủ. Nhưng thực sự rất là kinh khủng. Các cầu thủ đá giống như là bóng đá Brazil. Do bóng đá có nguyên tắc là 5 cầu thủ phòng ngự 5 cầu thủ tấn công, nên tôi phải nói không với thói quen của họ. Cầu thủ chơi bóng ở Đông Nam Á khi bị việt vị thật là thú vị.
Ở Nhật, cầu thủ sẽ không bị rơi vào tình huống như thế. Ở đây, khi tấn công, cầu thủ tự ý cầm bóng di chuyển chầm chậm dựa trên kỹ thuật cá nhân, nên tôi đã lưu ý nhắc nhở để họ chuyền nhanh sau chỉ 1 hoặc 2 chạm.
- Ông có cảm thấy sự ảnh hưởng lớn của tính quần chúng đến bóng đá Việt Nam không?
HLV Miura: Điều này quả nhiên là thế nhỉ. Tôi nghĩ là xem bóng đá Việt Nam, sẽ hiểu được tính quần chúng là như thế nào.
“Không thể sánh với người Việt Nam về đam mê bóng đá”
- Giải bóng đá nam tại ASIAD 2014 tổ chức ở Hàn Quốc vừa qua thì thế nào, thưa ông?
HLV Miura: Tôi đã nghĩ là đội tuyển Olympic Việt Nam sẽ không thắng được Iran, nhưng nhờ có những cầu thủ dẫn dắt tốt, chúng tôi đã có kết quả khả quan. Đây cũng là câu trả lời cho những phán đoán của tôi. Nếu đội tuyển Việt Nam vượt qua vòng 1/8 sẽ gặp Triều Tiên ở tứ kết.
Lúc đó, tôi cũng muốn biết đội tuyển có thể làm được những gì khi đối đầu với các đội bóng ở Đông Á. Chúng tôi đã có thể thắng trong trận đấu với UAE, dù thực tế là đã thua. Vốn là, tôi nghĩ có thể thi đấu sòng phẳng với đội bóng Trung Đông ở sân trung lập, nhưng có vài điểm xuất phát từ các cầu thủ khiến tôi phải xem lại.
- Có một giải đấu quan trọng với đội tuyển Việt Nam trong tháng 11 là AFF Cup?
HLV Miura: Đây là giải đấu rất sôi động, giống như là World Cup của khu vực Đông Nam Á. Nghe nói, năm 2008, khi Việt Nam vô địch, bình thường khi đi từ sân vận động về khách sạn mất 20 phút thì hôm đó mất 4 tiếng đồng hồ. Niềm đam mê bóng đá của người Việt Nam, tôi nghĩ Nhật Bản hoàn toàn không thể sánh bằng. Nếu đội tuyển thắng, không khí sẽ cực kỳ cuồng nhiệt.
Cuộc sống của ông ở Việt Nam hiện như thế nào?
HLV Miura: Có khoảng 10 ngàn người Nhật Bản ở Hà Nội. Vì thế, ở đó cũng có sẵn nhà hàng Nhật sẵn sàng phục vụ đồ ăn Nhật. Vì tôi là huấn luyện viên đội tuyển quốc gia nên chế độ đãi ngộ hoàn toàn khác (chế độ VIP). Liên đoàn bóng đá Việt Nam thông báo rằng tôi không cần phải tự lái xe, và cấp cho tài xế, xe riêng.
Lái xe của tôi bị bắt 5 lần do vi phạm giao thông, nhưng lái xe nói: “Ông này là huấn luyện viên đội tuyển quốc gia”, nên cảnh sát giao thông cũng cho qua. Ngoài ra, khi tôi đi cùng đội tuyển đến sân thi đấu cũng có cảnh sát dẫn đường. Ở Việt Nam, xe máy lộn xộn, nên tôi cũng được khuyên là không nên đi lung tung. Tôi nghĩ làm huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Việt Nam đúng là đặc biệt thật!
- Có phải ông cũng nhiều lần được lên truyền thông Việt Nam đúng không?
HLV Miura: Phóng viên phỏng vấn viết bài cũng không nhiều đến thế, nhưng tôi cũng có nghe là mình được đưa lên truyền thông. Nhưng dù có xem những chương trình đó thì tôi cũng hoàn toàn không hiểu vì không biết tiếng. Về nhà, do không xem được truyền hình Nhật Bản, nên tôi toàn xem kênh Bóng đá TV, cũng là để cập nhật thông tin, và xem lại những cuộc phỏng vấn của mình. Những trận đấu hay những thông tin liên quan đến đội tuyển quốc gia, đội tuyển Olympic, đội U19, giải đấu V-League đều được đưa lên TV.
- Ông có thể nói về những lúc thảnh thơi nhất trong cuộc sống hiện nay?
HLV Miura: Lúc thảnh thơi là những lúc xem bóng đá mà tự nhiên hiểu được thêm điều gì đó. Người Việt Nam nói chung không thích đả kích cho lắm, nên giống người Nhật ở điểm là không thích va chạm. Tôi cảm thấy vui vì điểm chung đó. Bữa trưa ở Việt Nam cũng có cảm giác thư thả hơn so với cách người Nhật ăn cơm hộp, mua từ cửa hàng đồ ăn nhanh, rồi ăn trong khoảng 15-20 phút.
Trong bữa trưa, tất cả mọi người đều uống bia. Uống bia thực sự đấy. Sau bữa trưa là thời gian ngủ trưa. Mọi người sẽ ngủ trưa khoảng 1 tiếng. Đây là thói quen từ bé. Về thói quen này, thì ở công ty cũng như thế. Liên đoàn bóng đá Việt nam bắt đầu lúc 8 giờ 30, nhưng từ 8 giờ 30 đến 9 giờ mọi người mới đến chỗ làm; từ 12-14 giờ là thời gian nghỉ trưa và 16 giờ 30 kết thúc công việc.
Có trợ lý nói với tôi là anh ta muốn cái ghế tốt hơn, tôi nghĩ trong bụng là: “Nếu anh muốn cái ghế tốt hơn thì hãy làm việc đi.” Cảm giác về cuộc sống ở Đông Nam Á là như thế. Người bình thường thì khoảng 17 giờ là kết thúc công việc.
“Phải phấn đấu dự World Cup và Olympic"
- Tự nhiên phong cách Đông Nam Á ngấm dần vào thói quen của ông có phải không?
HLV Miura: Trong cuộc sống, tôi vẫn không thể thay đổi được nếp sống vốn có của mình nên không còn cách nào khác là phải từ từ thay đổi thời gian biểu. Đây cũng là điều bắt buộc phải làm. Vì lịch thi đấu cũng thay đổi thường xuyên. Khi tôi hỏi ông Tashima Kohzo – Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nhật là “như thế này được không” thì ông có trả lời là: “Được, không vấn đề gì.”
- Một câu hỏi ngẫu nhiên, hiện tại ông có cảm thấy vui không?
HLV Miura: Đây là đội tuyển quốc gia lần đầu tiên tôi dẫn dắt, nên tôi cũng có quan tâm sâu sắc, vì cấp đội tuyển quốc gia khác với cấp CLB. Tôi cũng hoàn toàn không biết đến giải bóng đá nam ở ASIAD, nên cũng có cái hay là có thể xem đội bóng của nhiều quốc gia thi đấu. Tôi đã xem bóng đá châu Âu và Nhật Bản, nên cảm thấy là quả nhiên là châu Á rộng lớn, có nhiều đội tuyển quốc gia, nhưng đẳng cấp vẫn chưa thể so sánh với Nhật Bản, châu Âu.
- Dường như là ông muốn dồn hết tâm sức dẫn dắt đội tuyển Việt Nam?
HLV Miura: Nói đi nói lại thì nơi làm việc hiện tại cũng hỗ trợ tôi nhiều. Trong tương lai, tôi nhận thấy rằng Liên đoàn bóng đá không hướng đến mục đích tham gia World Cup cũng như Olympic, nên tôi càng dẫn dắt thì càng cảm thấy căng thẳng. Trình độ bóng đá Nhật Bản thì tôi có cảm giác là vượt trội so với châu Á. Trường hợp đội tuyển Việt Nam muốn vượt qua đẳng cấp Đông Nam Á, thì sẽ đi đến đâu?
Dù Liên đoàn bóng đá nói là từng bước từng bước một, nhưng Liên đoàn bóng đá đồng hành cùng đội tuyển Việt Nam từ năm ngoái, thì hoàn toàn không phải “từng bước từng bước một”. Ngược lại, chính nội bộ những “người lớn” trong Liên đoàn bóng đá phải đi từng bước từng bước một hơn là cầu thủ. Ví dụ, Liên đoàn bóng đá, giải đấu V-League cũng cần phải nâng cấp độ huấn luyện lên. Vì là, khi xem V-League, tôi cũng tự hỏi là các đội bóng trong giải đấu này đã luyện tập như thế nào nhỉ?!
- Đội tuyển U19 đã đi tập huấn châu Âu, và cũng gây được tiếng vang nhất định. Với lứa tài năng trẻ này, ông có đánh giá như thế nào?
HLV Miura: Thời của Lê Công Vinh năm 2008, có những cầu thủ giỏi, và họ đã vô địch AFF Cup năm đó. Từ đó, dường như đã không có sự tìm kiếm tài năng, nên thế hệ được kỳ vọng tiếp theo là lứa U19. Nghe nói lứa cầu thủ này duy trì sẽ được khoảng 10 năm.
Ông có thể chịu được áp lực không?
HLV Miura: Nếu nói về tính nhẫn nại, hay khả năng chịu đựng áp lực thì sẽ có những trận đấu sắp tới để thử thách mà. Hơn nữa, ông Tashima cũng nói với tôi là “không được cãi nhau”. Tôi luôn tự nhủ như vậy và cố gắng hơn nữa.
- Khi ông dẫn dắt đội bóng nước ngoài, thìcách nhìn nhận về bóng đá Nhật Bản có thay đổi không?
HLV Miura: Tất nhiên, tôi cũng từng so sánh đội tuyển Việt Nam với Nhật Bản, nhưng người Việt Nam có những điều mà Nhật Bản đã đánh mất đi ít nhiều. Họ mải chơi, trẻ con hơn người Nhật. Họ ghét việc nặng nhọc, thường làm những việc thực sự vui vẻ.
Với tư cách là huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam, ông mong đợi điều gì?
HLV Miura: Để một đội tuyển quốc gia đi lên thì phải phấn đấu để có thể tham dự Olympic và World Cup. Đặc biệt, nếu đội tuyển quốc gia tham dự World Cup, Olympic không phải Nhật cũng không vấn đề gì đối với tôi. Tôi nghĩ là huấn luyện viên làm công tác huấn luyện ở đội tuyển quốc gia khác là điều bình thường. Đó là nhu cầu thị trường khắp trên thế giới, ngay cả cầu thủ cũng ra nước ngoài thi đấu mà...
- Xin cảm ơn ông!