Sau loạt vụ tấn công ở Brussels, Bỉ, nhiều nước châu Âu tiếp tục siết chặt các biện pháp an ninh.
Ngày 24/3, Bộ trưởng Nội vụ Hungary Sandor Pinter đã công bố gói dự thảo gồm các biện pháp chống khủng bố mới nhằm giúp việc giám sát điện thoại và Internet trở nên dễ dàng trong công tác điều tra.
Hiện tại, nhà chức trách Hungary chỉ có thể tiếp cận thông tin từ điện thoại và Internet của một cá nhân theo lệnh của tòa án và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông vẫn có thể từ chối lệnh này. Tuy nhiên, theo đề xuất mới mà Chính phủ Hungary vừa thông qua ngày 23/3 và dự kiến sẽ được trình trước quốc hội vào tháng Tư tới, sau khi có lệnh của tòa án, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sẽ không thể từ chối việc cung cấp thông tin nữa.
Để ưu tiên cho các dịch vụ khẩn cấp khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố, lưu lượng điện thoại có thể bị hạn chế, thậm chí chỉ được phép gửi tin nhắn ngắn (SMS).
Ngoài ra, nhà chức trách cũng có quyền giám sát các tài khoản ngân hàng của cá nhân và tổ chức nghi ngờ có liên hệ với chủ nghĩa cực đoan.
Gói dự thảo trên cũng bao gồm chi phí cho việc tăng cường nhân lực và trang bị kỹ thuật mới cho các lực lượng an ninh và biên phòng, cũng như thành lập một viện chống khủng bố để phân tích các vụ tấn công.
Cùng ngày 24/3, Ba Lan cũng công bố dự luật chống khủng bố, trong đó bao gồm một loạt các biện pháp tăng cường giám sát đối với người nước ngoài, kéo dài thời gian giam giữ lên 14 ngày đối với những đối tượng tình nghi có liên quan đến khủng bố, trục xuất ngay hoặc đóng cửa biên giới, thậm chí tiến hành lục soát hoặc tiếp cận với bất kỳ cơ sở dữ liệu thông tin nào phục vụ các cơ quan điều tra.
Bộ trưởng Nội vụ Mariusz Blaszczak khẳng định rằng những quy định này là hoàn toàn chính xác, rõ ràng và đảm bảo an ninh cho công dân Ba Lan./.