Hungary và Malta đều nhất trí không gửi vũ khí tới Ukraine

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nêu rõ: “Malta và Hungary nhất trí rằng hòa bình ở Ukraine là rất cần thiết. Chúng tôi đều không gửi vũ khí đến Ukraine."
Hungary và Malta đều nhất trí không gửi vũ khí tới Ukraine ảnh 1Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto. (Nguồn: DW)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto ngày 16/12 khẳng định nước này và Malta không gửi bất kỳ loại vũ khí nào tới Ukraine, đồng thời phản đối ý tưởng thay thế cơ chế bỏ phiếu đồng thuận bằng hệ thống đa số áp đảo trong Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu sau cuộc gặp người đồng cấp Malta Ian Borg, Ngoại trưởng Hungary nêu rõ: “Malta và Hungary nhất trí rằng hòa bình ở Ukraine là rất cần thiết. Chúng tôi đều không gửi vũ khí đến Ukraine."

Ông Szijjarto cũng nhấn mạnh điều quan trọng là Malta và Hungary cùng có suy nghĩ EU là sự hợp nhất của các quốc gia có chủ quyền, do đó hai nước không ủng hộ EU chuyển từ cơ chế ra quyết định đồng thuận sang đa số áp đảo.

Cùng ngày, Quốc hội Croatia đã bác bỏ đề xuất nước này tham gia phái bộ của EU hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Cuộc bỏ phiếu tại cơ quan lập pháp Croatia diễn ra sau phiên tranh luận kéo dài nhiều giờ, phản ánh sự chia rẽ sâu sắc giữa Thủ tướng và Tổng thống nước này.

[Kho vũ khí của quân đội Đức thiếu hụt vì viện trợ Ukraine]

Đề xuất cho phép tối đa 100 quân nhân Croatia tham gia huấn luyện binh sỹ Ukraine trong 2 năm tới cần phải nhận được sự ủng hộ của 2/3 tổng số nghị sỹ tại Quốc hội gồm 151 ghế của quốc gia Balkan này để được thông qua. Tuy nhiên, trong số 107 nghị sỹ tham gia bỏ phiếu, có 97 phiếu ủng hộ và 10 phiếu chống.

Hồi tháng 10 vừa qua, EU đã nhất trí thành lập Phái bộ hỗ trợ quân sự Ukraine (EUMAM Ukraine) và chỉ định một tướng quân đội Ba Lan chỉ huy nhiệm vụ huấn luyện cho binh sỹ Ukraine, chủ yếu diễn ra ở Ba Lan.

Tổng thống Croatia Zoran Milanovic từ chối xem xét đề xuất của Chính phủ để Croatia tham gia EUMAM Ukraine. Theo ông, Zagreb không nên tham gia lực lượng này và đề xuất trên đã vi phạm Hiến pháp vì không làm rõ cơ sở cho tuyên bố Ukraine là đồng minh, trong khi Kiev không phải là thành viên EU cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Chính phủ Croatia vẫn đệ trình đề xuất lên Quốc hội nước này với hy vọng đảm bảo đa số 2/3 cần thiết để thông qua các quyết định về những vấn đề quân sự.

Thủ tướng Andrej Plenkovic cho rằng việc Zagreb tham gia EUMAM Ukraine là một “quyết định nhất quán, mang tính nguyên tắc và hợp lý của Croatia, phù hợp với lợi ích quốc gia.”

Cũng liên quan tới hỗ trợ cho Ukraine, Văn phòng Thủ tướng Canada cho biết trong cuộc điện đàm ngày 15/12 với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, Thủ tướng Justin Trudeau đã tái khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự, tài chính và các hình thức khác cho Kiev.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Trudeau bày tỏ tình đoàn kết của Canada với người dân Ukraine khi quốc gia Đông Âu này đang phải chuẩn bị cho mùa Đông.

Về phần mình, Tổng thống Zelenskyy cảm ơn Thủ tướng Trudeau vì những đóng góp của Canada cho Ukraine, như cung cấp các nguồn lực để rà phá bom mìn, quần áo mùa Đông và hỗ trợ tài chính, bao gồm khoản đóng góp mới nhất trị giá 115 triệu CAD (84 triệu USD) cho lưới điện của Ukraine.

Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về sáng kiến mới nhất nhằm thiết lập "một nền hòa bình chính đáng."

Kể từ tháng 3 năm nay, Ottawa đã cung cấp cho Kiev hơn 5 tỷ CAD (3,65 tỷ USD) viện trợ tài chính và quân sự, bao gồm 2 tỷ CAD hỗ trợ trực tiếp, 500 triệu CAD thông qua hoạt động mở bán trái phiếu Chính phủ Ukraine và 2,5 tỷ CAD để viện trợ nhân đạo.

Tất cả các khoản viện trợ đã được giải ngân dần dần với sự giúp đỡ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.