Hungary xây dựng hàng rào công nghệ cao chặn người nhập cư

Hàng rào công nghệ cao này, được lắp đặt camera hồng ngoại, thiết bị cảm biến nhiệt và chuyển động, được cho sẽ giúp "ngăn chặn hoàn toàn" người nhập cư từ Serbia vào Hungary.
Hungary xây dựng hàng rào công nghệ cao chặn người nhập cư ảnh 1(Nguồn: AP)

Chính phủ Hungary thông báo, nước này bắt đầu xây dựng lớp rào thứ hai dọc biên giới với Serbia nhằm ngăn chặn người nhập cư.

Hàng rào công nghệ cao này, được lắp đặt camera hồng ngoại, thiết bị cảm biến nhiệt và chuyển động, được cho sẽ giúp "ngăn chặn hoàn toàn" người nhập cư từ Serbia vào Hungary.

Phát ngôn viên Chính phủ Hungary cho biết, công việc xây dựng đã được tiến hành và nhiều cột trụ đã được dựng lên gần cửa khẩu Kelebia.

Lớp rào mới được xây dựng chạy dọc biên giới dài 175 km sẽ giúp gia cố hàng rào được xây dựng từ năm 2015, thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu. 

Trước đó, một đoạn hàng rào thử nghiệm dài khoảng 10 km cũng đã được dựng lên ở biên giới giáp với Serbia.

Dự kiến, hàng rào mới sẽ được hoàn thành trong vòng 2 tháng trước thời điểm mùa Hè, được dự báo sẽ là thời điểm tăng mạnh số người người nhập cư vào các nước Trung và Bắc Âu.

Theo cố vấn an ninh của Thủ tướng Orban, Gyorgy Bakondi, hàng rào mới sẽ được gắn các thiết bị cảm biến với khoảng cách từ 10-15 cm và khi đưa vào vận hành sẽ góp phần kiểm soát chặt chẽ tình trạng vượt biên trái phép tại khu vực này.

Hồi tháng 8/2016, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã công bố kế hoạch xây dựng hàng rào cao 3m với hy vọng sau khi hoàn tất có thể giảm số binh sỹ và cảnh sát làm nhiệm vụ tuần tra biên giới của nước này với Serbia.

Hiện có khoảng 7.000 người di cư bị mắc kẹt ở Serbia khi tìm đường tới Tây Âu.

Năm 2015, hơn 400.000 người di cư đã vượt Hungary để vào các nước châu Âu. Sau khi hàng rào đầu tiên hoàn thành vào tháng 9/2015 và một hàng rào khác được xây dựng dọc biên giới với Croatia một tháng sau đó, số người di cư vào Hungary đã giảm mạnh.

Tuy nhiên, hiện hàng ngày vẫn có hàng chục người di cư tìm cách vượt qua biên giới phía Nam để vào Hungary, từ đó tới các nước châu Âu khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.