Hướng đi mới để châu Phi tự phục hồi kinh tế sau đại dịch

Các chiến lược như chuyển đổi mục đích sử dụng/chủ sở hữu tài sản, tiếp tục số hóa và hội nhập khu vực mạnh mẽ hơn có thể giúp đảm bảo rằng châu Phi đủ lực để hồi phục sau đại dịch.
Hàng hóa xuất khẩu tại cảng biển Durban, Nam Phi. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)

Trang project-syndicate.org ngày đã đăng bài phân tích của Alain Ebobissé - Giám đốc điều hành Africa50 (nền tảng đầu tư hạ tầng thuộc Ngân hàng Phát triển châu Phi-AfDB) khẳng định trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn châu lục, sự phục hồi do chính châu Phi thiết kế và tài trợ phần lớn là hoàn toàn có thể, thông qua các chiến lược như chuyển đổi mục đích sử dụng/chủ sở hữu tài sản, tiếp tục số hóa và hội nhập khu vực mạnh mẽ hơn.

Theo tác giả bài viết, đối với châu Phi, đại dịch COVID-19 có thể đồng nghĩa với việc tăng trưởng GDP âm ở mức độ chưa từng có. Ngoài ra, một số nước châu Phi đang đối phó với hậu quả của sự sụt giảm giá hàng hóa - yếu tố quan trọng khác dẫn đến các xu hướng suy thoái hiện nay.

Châu Phi hiện phải điều hướng phục hồi kinh tế trong khi xây dựng khả năng chống chịu với những cú sốc trong tương lai. Từ việc tăng cường lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đến hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trên diện rộng, các nhà lãnh đạo châu Phi cần phát triển các chiến lược mới để giải quyết các thách thức về cơ cấu.

Với việc các đối tác bên ngoài của lục địa cũng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và tập trung vào nhu cầu nội địa của chính họ, cũng như tình trạng thoái vốn khỏi các thị trường mới nổi (bao gồm cả châu Phi) với tốc độ kỷ lục, (ngay cả trước đại dịch bùng phát), các nhà hoạch định chính sách châu Phi cần phải hướng nội để giải quyết bài toán của chính mình.

[Cách 5 ngân hàng trung ương lớn nhất “cứu” kinh tế châu Phi]

Một giải pháp khả thi là chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn được tài trợ một phần bằng cách huy động các nguồn lực trong nước thông qua chuyển đổi mục đích sử dụng/chủ sỡ hữu tài sản, cho phép các chính phủ mở khóa nguồn vốn hiện có.

Bằng cách chuyển những tài sản này thông qua các chương trình nhượng quyền cho các nhà đầu tư khu vực tư nhân đáng tin cậy, các chính phủ có thể giải phóng nguồn vốn cho các dự án mới quan trọng.

Những nhượng quyền như vậy hứa hẹn các dòng doanh thu dài hạn và các cơ hội đầu tư hạ tầng mới sẽ thu hút thêm vốn đầu tư vào châu Phi. Do đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng/chủ sỡ hữu tài sản có thể giúp thu hẹp khoảng cách tài chính về hạ tầng khổng lồ của lục địa, mà Ngân hàng AfDB ước tính ở mức 68-108 tỷ USD/mỗi năm.

Các tài sản có thể chuyển đổi mục đích sử dụng/chủ sỡ hữu bao gồm các nhà máy điện, đường thu phí, cảng, sân bay, mạng cáp quang, đường ống... Các khoản tiền thu được từ chuyển đổi những tài sản này có thể được dùng trong các dự án mới với hiệu ứng cấp số nhân mạnh mẽ, từ đó tạo ra việc làm và cơ hội kinh doanh trong toàn bộ nền kinh tế của một quốc gia.

Điều này trở nên có ý nghĩa hơn khi xét trong bối cảnh châu Phi có thể mất số lượng lớn việc làm và hàng triệu thanh niên tham gia vào thị trường lao động mỗi năm.

Trong khi việc chuyển đổi mục đích sử dụng/chủ sỡ hữu tài sản chưa bao giờ được thử nghiệm ở châu Phi, Australia đã sử dụng thành công phương pháp này để tạo ra hơn 18 tỷ USD trong 3 năm bằng cách chuyển đổi mục đích sử dụng/chủ sỡ hữu của 12 tài sản thuộc sở hữu nhà nước.

Các chính phủ châu Phi có thể áp dụng phương pháp này để góp phần thu hẹp khoảng cách tài chính cơ sở hạ tầng hàng năm.

Bên cạnh những lợi ích trước mắt, việc chuyển đổi mục đích sử dụng/chủ sỡ hữu tài sản ở châu Phi có thể thu hút một lượng lớn nhà đầu tư cơ sở hạ tầng mới. Tại Australia, sự kết hợp của các quỹ đầu tư quốc gia (SWF), quỹ hưu trí và một số quỹ đầu tư tư nhân đã góp phần thúc đẩy nhiều dự án mới.

Việc hút các nhà đầu tư tương tự bằng cách tận dụng các tài sản hiện có sẽ giúp các chính phủ châu Phi thoát khỏi tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà tài trợ và các tổ chức tài chính phát triển.

Africa50 đóng góp vào sự tăng trưởng của châu Phi bằng cách phát triển và đầu tư vào các dự án có khả năng vay vốn từ ngân hàng, thúc đẩy nguồn vốn khu vực công và huy động vốn từ khu vực tư nhân, với lợi nhuận và tác động tài chính khác nhau.

Africa50 hiện đang thảo luận về việc thực hiện các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng/chủ sỡ hữu tài sản với một số chính phủ trên khắp lục địa.

Đầu tư hạ tầng quy mô lớn có thể đồng bộ với sự tập trung vào số hóa vốn được kỳ vọng có thể giảm chi phí của các tác nhân nhà nước và tư nhân, nâng cao hiệu quả, khắc phục các trở ngại vật lý và cải thiện chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng và người dân.

Quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của châu Phi đang phát triển theo chiều hướng tốt: Số lượng kết nối băng thông rộng mới đang tăng vọt, việc sử dụng điện thoại di động tiếp tục có xu hướng tăng và lục địa này đang dẫn đầu toàn cầu về sử dụng các nền tảng trên điện thoại thông minh cho mục đích chuyển dịch tài chính.

Hiện trạng "bình thường mới" của làm việc từ xa và những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng do COVID-19 tạo ra, mang đến cơ hội để châu Phi đẩy nhanh quá trình này.

Tuy nhiên, dù châu Phi rõ ràng được hưởng lợi về tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm nhờ quá trình tiếp tục số hóa, mức độ thâm nhập băng thông rộng của lục địa vẫn dưới mức trung bình toàn cầu.

Việc chuyển đổi kỹ thuật số hoàn toàn sẽ không thể thực hiện được nếu không có cơ sở hạ tầng đáng tin cậy. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), để đạt được truy cập băng thông rộng phổ quát với 4G/5G và mở rộng mạng cáp quang, châu Phi sẽ cần thêm 100 tỷ USD vào năm 2030.

Do đó, việc huy động các nguồn tài chính cần thiết đang trở thành ưu tiên hàng đầu của các chính phủ châu Phi khi lục địa tìm cách thích ứng với thế giới hậu COVID-19 và việc sử dụng các nguyên tắc chuyển đổi mục đích sử dụng/chủ sỡ hữu tài sản sẽ là hướng đi cần quan tâm.

Các chiến lược rõ ràng về chuyển đổi mục đích sử dụng/chủ sỡ hữu tài sản là một phương pháp khả thi để các chính phủ châu Phi có thể góp phần đáng kể vào việc tự tài trợ cho các khoản đầu tư mà các nước ở lục địa đang rất cần.

Trong khi phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quy mô lớn là ưu tiên đúng đắn của các nước châu Phi, các chính phủ ở lục địa cũng phải tập trung hỗ trợ các doanh nhân với các hệ sinh thái cho phép đổi mới kỹ thuật số.

Các sáng kiến như Thành phố Đổi mới Kigali, Rwanda (KIC) sẽ cung cấp hỗ trợ tiện dụng và tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty dựa trên tri thức và công nghệ phát triển.

Cuối cùng, các chính phủ châu Phi phải nhấn mạnh sự hội nhập khu vực hơn nữa thông qua Khu vực Thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA). Cơ sở hạ tầng chia sẻ sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển năng lực sản xuất, nhưng nhiều cộng đồng kinh tế châu Phi đang tụt hậu trong vấn đề này.

Đặc biệt, tích hợp cơ sở hạ tầng năng lượng sẽ góp phần ổn định nguồn cung và giảm chi phí, mang lại hiệu quả đối với toàn bộ nền kinh tế khu vực và châu lục.

Chẳng hạn, sáng kiến "Sa mạc cho năng lượng" của AfDB đã thúc đẩy các dự án phát triển 310 GW năng lượng tái tạo trên toàn khu vực Sahel để cung cấp điện cho 11 quốc gia, bao gồm Nigeria, Mauritania, Mali, Burkina Faso, Niger, Djibouti và Eritrea.

Tương tự, hội nhập các chuỗi cung ứng khu vực thông qua việc thực hiện đầy đủ AfCFTA sẽ thúc đẩy nền kinh tế địa phương và tăng cường năng lực sản xuất trong nước. Hầu hết các nước châu Phi dựa vào thương mại với các đối tác ngoài châu Phi, chiếm khoảng 30% GDP của lục địa.

Bằng cách khuyến khích thương mại nội khối, AfCFTA sẽ hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực sản xuất châu lục phục vụ cho các thị trường địa phương. Việc tăng thương mại nội khối từ mức hiện tại (15% tổng thương mại) lên khoảng 60% có khả năng tạo ra hàng triệu việc làm.

Rõ ràng, sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 do chính châu Phi thiết kế và tài trợ chủ yếu là hoàn toàn khả thi. Trong khi COVID-19 đang tấn công mạnh mẽ châu Phi, các chiến lược như chuyển đổi mục đích sử dụng/chủ sỡ hữu tài sản, tiếp tục số hóa và hội nhập khu vực mạnh mẽ hơn có thể giúp đảm bảo rằng châu Phi đủ lực để hồi phục sau đại dịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục