Hướng nghiệp cho thí sinh đam mê học ngành điện hạt nhân

Đông đảo học sinh lớp 12 của tỉnh Ninh Thuận, ngày 26/3, đã tham dự buổi tư vấn hướng nghiệp chuyên ngành điện hạt nhân trong kỳ thi đại học năm 2014.

Đông đảo học sinh lớp 12 đến từ các trường trung học phổ thông của tỉnh Ninh Thuận, ngày 26/3, đã tham dự buổi tư vấn hướng nghiệp chuyên ngành điện hạt nhân trong kỳ thi đại học năm 2014.

Buổi tư vấn hướng nghiệp do Ban quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận phối hợp với Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trường Đại học Điện lực tổ chức.

Ninh Thuận là địa phương được chọn xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam.

Do đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực cao là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ và Ban quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận quan tâm, chú trọng, nhằm đáp ứng nhu cầu vận hành, bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sau này.

Việc tổ chức hướng nghiệp chuyên ngành điện hạt nhân nhằm mục đích thu hút học sinh khá, giỏi đến từ các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh đăng ký dự thi, học tập và nghiên cứu ngành điện hạt nhân, cũng như thu hút nguồn lực đầu vào cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tại buổi hướng nghiệp, các học sinh đã đặt nhiều câu hỏi cho các chuyên gia, như thi chuyên ngành điện hạt nhân ở trường nào là phù hợp; điều kiện xét đi học cũng như việc hỗ trợ trong quá trình học tập; thủ tục đăng ký học; chế độ đãi ngộ và cơ hội hội nghề nghiệp sau này.

Mọi thắc mắc của các em đã được đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường – Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích cặn kẽ. Theo đó, cả nước có 5 trường đại học và một viện đào tạo nhân lực cho ngành hạt nhân là Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Lạt, Đại học Điện lực, Đại học Bách khoa Hà Nội và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Việc tuyển chọn sinh viên đi học chuyên ngành điện hạt nhân được giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.

Trong năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tuyển sinh 80 chỉ tiêu để tiếp tục cử đi đào tạo các ngành điện hạt nhân tại Liên bang Nga. Các em học sinh được ký cam kết với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ban Quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận để được hỗ trợ, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho các em làm việc lâu dài với EVN.

Các học sinh còn được nghe các sinh viên, chuyên viên vật lý hạt nhân đã và đang học tập tại Liên bang Nga chia sẻ về điều kiện ăn ở, học tập cũng như quá trình nghiên cứu chuyên ngành điện hạt nhân tại nước ngoài. Nhờ đó các em hiểu hơn về ngành năng lượng nguyên tử, thông tin tuyển sinh, chế độ ưu đãi học các ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân của các trường đại học trong nước và ngoài nước.

Ông Trần Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cho biết, việc đào tạo nguồn nhân lực cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bao gồm nhiều ngành đào tạo, đặc biệt là đào tạo nhân lực về quản lý và vận hành các nhà máy với số lượng khoảng 2.200 người.

Từ năm 2006 đến 2009, Ban quản lý đã gửi 30 học sinh đi học ở nước ngoài. Hiện nay đã có 9 em làm việc tại Ban quản lý Dự án, số còn lại đang học ở Nga và Pháp.

Năm 2010 đến năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện đưa 258 em vào học ngành điện hạt nhân và đã có 161 em ký cam kết làm việc với Ban quản lý cũng như làm việc trong nhà máy.

Trong số 161 em có 64 em là người của tỉnh Ninh Thuận. Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án cũng đã cử nhiều cán bộ, chuyên gia đi học các khoá đào tạo ngắn hạn ở Nga và Nhật Bản để phục vụ cho nhà máy sau này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục