Các tác động biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống, tác động khôn lường cho cộng đồng.
Năm 2022, thiên tai xảy ra bất thường, tính đến hết ngày 19/12/2022, cả nước xảy ra 21/22 loại hình thiên tai đã có 7 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, 300 trận mưa lớn, ngập úng, lũ, sạt lở đất; 256 trận dông, lốc, sét mưa…
Đặc biệt, mưa lớn từ ngày 13-15/10 trên địa bàn các khu vực miền Trung nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Có điểm vượt lượng mưa lịch sử năm 2018
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, kết hợp với không khí lạnh đã gây mưa rất lớn ở các địa phương thuộc khu vực Trung Bộ làm ngập lụt cục bộ, hư hỏng nặng nhiều tuyến đường, gây cản trở giao thông.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, mưa lớn đã làm đoạn đường đi qua thôn Tứ Nhũ (xã Quế Lâm) bị sạt lở với khối lượng đất đá khoảng ngàn mét khối, làm ách tắc giao thông, 170 hộ dân, với 350 nhân khẩu ở thôn Tứ Nhũ bị cô lập.
Mưa lũ gây ngập lụt và chia cắt hầu hết tuyến đường tại huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị). Đặc biệt, tuyến đường tạm lên cửa khẩu La Lay kết nối với Lào trên tuyến Quốc lộ 15D (đoạn qua địa bàn xã A Ngo, huyện Đakrông) bị đứt gãy, sạt lở mái taluy âm, taluy dương, xuất hiện cung trượt lớn, lún sụt. Đến chiều 24/10, tuyến đường này mới được thông xe.
[Mưa lũ tại nhiều tỉnh làm 4 người thương vong và 2 người mất tích]
Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, mưa lũ đã làm hư hỏng nhiều tuyến đường, tiêu biểu là trên tuyến Quốc lộ 1, các vị trí sạt taluy dương gây tắc đường xảy ra tại Km 871+300 trên đèo Phước Tượng; Km 901+200 qua đèo Hải Vân.
Riêng tuyến Quốc lộ 49 qua địa bàn huyện A Lưới (thị xã Hương Trà) xuất hiện 4 điểm bị ngập từ 0.4-1m và sạt lở taluy dương gây tắc đường tại Km 49+ 300. Đường Hồ Chí Minh nhánh tây bị sạt lở tắc đường tại Km 392.
Đặc biệt tại thành phố Đà Nẵng, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5 và không khí lạnh, từ ngày 13-15/10, Đà Nẵng đã có mưa rất to, có điểm vượt lượng mưa lịch sử năm 2018.
Do xảy ra vào đúng thời điểm triều cường nên mưa lớn (gần 700 mm/24 giờ) đã gây ngập diện rộng với 52/56 xã, phường thuộc 7 quận, huyện. Hầu hết các tuyến đường đều bị ngập, nhiều tuyến đường, tầng hầm một số trụ sở công trình quan trọng của Nhà nước, doanh nghiệp và nhà dân ngập từ 0,5-1m, có nơi ngập đến 2m. Tổng số nhà bị ngập là gần 70.000 nhà.
Tính đến 14 giờ ngày 18/10, mưa lũ tại Đà Nẵng đã làm 4 người chết, một nhà sụp do sạt lở, 28 nhà sập một phần. Đa số các hộ dân trên địa bàn bị ngập nước đều thiệt hại nghiêm trọng về tài sản (có trên 2000 xe ôtô và trên 30 nghìn xe máy bị ngập nước).
Mưa lũ cũng gây hư hỏng hàng hóa, máy móc, trang thiết bị sản xuất của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Khoảng 74,22 ha rau màu các loại bị ngập úng, 60.000 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, chết.
Đáng chú ý có 14 trường học trên toàn thành phố bị ngập, làm hư hỏng sổ sách, thiết bị điện tử và dụng cụ dạy học. Nhiều tuyến đường cũng bị sạt lở, hư, hỏng.
Khu vực Nghĩa trang Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, bị vùi lấp do sạt lở núi với khối lượng đất đá lớn; trong đó khối lượng đất đá sạt lở xuống khu vực có mộ ước 6.120m3. Ước thiệt hại sơ bộ ban đầu do mưa lũ, tính đến 14 giờ ngày 18/10 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là 1.486,505 tỷ đồng.
Riêng thành phố Đà Nẵng, mưa tập trung chính trong thời gian từ 1 giờ ngày 14/10 đến 1 giờ ngày 15/10, một số nới có mưa rất lớn như: Trạm Đà Nẵng 697.6mm, Suối Đá 775.2mm.
Đánh giá về nguyên nhân chính dẫn đến tình hình mưa lớn tại khu vực miền Trung nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết do tác động hình thế mưa điển hình ở miền Trung, tổ hợp đa thiên tai kết hợp của áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới và gió đông.
Cùng với đó, do đặc điểm địa hình chắn gió ở miền Trung rất dễ gây mưa lớn khi có ảnh hưởng của không khí lạnh; mưa xảy ra trong thời đoạn ngắn với cường suất lớn. Đối với đợt mưa này, cơ quan khí tượng thủy văn cũng đã có cảnh báo rất sớm với lượng mưa phổ biến 200-500 mm, cục bộ có nơi trên 800mm ở Trung Bộ.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhận định đây là trận ngập lụt lịch sử của thành phố Đà Nẵng, làm rối loạn hệ thống giao thông, gây ngập lụt các khu dân cư; đặc biệt dòng chảy rất xiết gây khó khăn cho việc cứu hộ, cứu nạn.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tập trung huy động lực lượng tổng vệ sinh ở khu dân cư; đảm bảo lương thực, nước sạch cho người dân nơi bị ngập lụt, nhất là những nơi đang bị ngập; tổ chức thăm hỏi, động viên người dân bị thiệt hại.
Trong chuyến đi kiểm tra thực địa và làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về tình hình khắc phục hậu quả bão lũ chiều 19/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thành phố Đà Nẵng cần tập trung công tác chỉnh trang đường phố, đảm bảo vệ sinh môi trường, hỗ trợ cuộc sống, sinh hoạt. Không để người dân thiếu đói, thiếu chỗ ở và các điều kiện sinh hoạt thiết yếu như điện nước, giao thông, y tế…, nhất là không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ.
Chủ tịch nước yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thành phố, Hội Chữ Thập đỏ các cấp cần tăng cường rà soát, kịp thời hỗ trợ người dân; sớm đưa học sinh trở lại trường học bình thường và bảo đảm đủ sách vở, trang thiết bị học tập cho các cháu; cần có phương án hợp lý khắc phục tình trạng sạt lở và vùi lấp đất, đá tại Nghĩa trang Hòa Sơn để nhân dân yên tâm.
Thành phố cũng cần hướng dẫn, tổ chức việc tiếp nhận, phân phối các nguồn viện trợ, bảo đảm an toàn cho người tham gia cứu trợ; đồng thời bảo đảm công tác cứu trợ được thực hiện nhanh nhất, công khai, minh bạch, công bằng, không để phát sinh phức tạp, bất ổn tại cơ sở.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo tiếp tục nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo, nhất là dự báo mưa lớn cục bộ, lũ, lũ quét, sạt lở đất; hoàn thành Chương trình phân vùng rủi ro thiên tai, xây dựng bản đồ phân vùng sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ lớn, chi tiết đến cấp xã, triển khai thực hiện hiệu quả quỹ phòng, chống thiên tai, kịch bản phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả, đề xuất, kiến nghị trang thiết bị phòng, chống thiên tai.
Các bộ, ngành, địa phương liên quan quan tâm chỉ đạo các công tác về hệ thống quan trắc, giám sát chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, hồ chứa, đê điều và xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, đường giao thông, các công trình cơ sở hạ tầng ảnh hưởng đến thoát lũ, nhà ở an toàn trước thiên tai, nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó của cộng đồng, nâng cao năng lực tham mưu phòng, chống thiên tai.
Ông Đào Quang Tuynh, Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Văn phòng Chính phủ, nhấn mạnh cần phải đánh giá, rà soát vấn đề ngập tại các tuyến đường giao thông, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ quét, sạt lở đất, hướng dẫn xây dựng các kịch bản ứng phó thiên tai phù hợp để có những giải pháp hiệu quả, nâng cao tính chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai.
Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1/6/2022 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức rà soát kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai, nhất là phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cần chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động đối phó sang chủ động phòng ngừa, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai; tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân; quan tâm tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, đa dạng hóa nguồn lực, sử dụng hiệu quả nguồn lực trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Các địa phương triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ cứu nạn trong mọi tình huống, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai nếu để xảy ra thiệt hại lớn do chậm trễ, chủ quan trong chỉ đạo, triển khai ứng phó với thiên tai.
Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai chỉ đạo, đôn đốc các ngành, địa phương triển khai công tác phòng, chống thiên tai, phù hợp với đặc điểm, nguy cơ xảy ra thiên tai cụ thể tại từng vùng miền; đôn đốc các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với các tình huống thiên tai cụ thể, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai chỉ đạo, xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức kiểm tra rà soát phương án ứng phó thiên tai cụ thể, phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp; chủ động kiểm tra đê điều, hồ đập, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố để đảm bảo an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện trang thiết bị theo phương châm “bốn tại chỗ” để xử lý khi có tình huống xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; chú trọng công tác chỉ đạo, vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện do địa phương quản lý, đảm bảo an toàn công trình và hạ du, nhất là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp./.