Tại Hội nghị tổng kết năm 2019, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 do Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 2/1 tại Hà Nội, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn yêu cầu năm 2020, Tổng cục Lâm nghiệp phải đạt các chỉ tiêu tổng quát của ngành cao hơn năm 2019.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, năm 2020 là năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm 2016-2020, ngành lâm nghiệp phải cố gắng đạt được những chỉ tiêu cao hơn trong 4 năm qua. Đây cũng là năm căn bản để xây dựng kế hoạch cho 5 năm tới, thậm chí dài hơn.
“Tổng cục Lâm nghiệp phải tập trung cao độ, khẩn trương hoàn thành Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia; trình Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2045; Chương trình đầu tư công phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025," Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng Tổng cục Lâm nghiệp nên đưa ra thêm các chỉ tiêu về quản lý rừng bền vững hay những chỉ tiêu phục vụ tái cơ cấu ngành như giống cây lâm nghiệp để có sự kiểm soát tốt hơn. Cùng với đó, ngành cũng cần chủ động chuẩn bị các kịch bản xử lý các tình huống về thị trường, cháy rừng.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2020, ngành tiếp tục bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích, từ đó góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2020, Tổng cục Lâm nghiệp đặt mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5-5,5%. Giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 12,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2019; khai thác rừng trồng tập trung đạt 20,5 triệu m3.
Ngành cũng tăng cường bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đảm bảo giảm 10% số vụ vi phạm và giảm 30% diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2019.
Để đạt mục tiêu trên, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ Triển khai các chương trình, đề án đã được Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Tổng cục Lâm nghiệp cũng tổ chức triển khai tốt Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT); thể chế hóa các cam kết, nâng cao năng lực cho các bên liên quan để thực thi hiệu quả Hiệp định, đặc biệt là thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định cho cộng đồng các doanh nghiệp và các hộ gia đình trồng rừng cũng như toàn xã hội.
[Xuất khẩu lâm sản năm 2019 đạt mức cao nhất từ trước đến nay]
Năm 2019, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 11,2 tỷ USD, đạt 107% kế hoạch, tăng 19,2% so với năm 2018, vượt 6,6% so với kế hoạch (10,5 tỷ USD).
Xuất siêu lâm sản đạt 8,65 tỷ USD, cao nhất trong nhóm ngành hàng nông lâm sản xuất khẩu. Việt Nam đứng thứ 5 thế giới, đứng thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản.
Năm 2019, tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%, tăng 0,2% so với năm 2018; cả nước đã trồng trên 239.000 ha, tăng 12,6% kế hoạch.
Tuy nhiên, trong năm 2019, tình trạng nắng nóng gay gắt, hanh khô, hạn hán kéo dài nhiều ngày, nhất các tỉnh Tây Bắc và khu vực miền Trung. Do vậy, việc phòng, chống cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn; tình trạng phá rừng trái pháp luật để lấy đất canh tác, khai thác lâm sản trái phép tại các địa phương vẫn còn xảy ra, gây dư luận trong xã hội.
Việc đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng tại một số địa phương còn chưa được quan tâm bố trí đủ vốn. Nhiều địa phương chưa tích cực chỉ đạo trồng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn./.