Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang có xu hướng tăng trở lại sau 2 tháng tăng trưởng âm.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của huy động vốn vẫn thấp hơn nhiều so với đà tăng tín dụng.
Cụ thể, nếu trong tháng 1/2021 huy động vốn của các ngân hàng giảm 0,26% so với cuối năm 2020; tháng 2 giảm 0,25% thì tháng 3/2021 tình hình huy động vốn đã tăng trưởng trở lại, với mức tăng 0,76% so với tháng trước đó.
Ứớc đến cuối tháng 4/2021, vốn huy động trên địa bàn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 0,65% so với cuối năm 2020.
[Huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp đang giảm mạnh]
Tính đến cuối tháng 4/2021, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố ước đạt 2.927.000 tỷ đồng; trong đó, vốn huy động bằng đồng Việt Nam vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng huy động vốn, khoảng 89% và duy trì tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm, tăng 1,94% so với cuối năm. Trong khi đó, vốn huy động bằng ngoại tệ chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 11%, giảm 8,32%.
Xét theo hình thức tiền gửi, tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế và cá nhân vẫn chiếm tỷ trọng lớn 53% và tăng 0,42% so với tháng trước, giảm 0,38% so với cuối năm.
Tiếp đến là loại hình tiền gửi tiết kiệm của khách hàng dân cư chiếm tỷ trọng 39% và tăng 0,35% so với tháng trước, tăng 1,57% so với cuối năm. Còn lại là phát hành giấy tờ tăng 0,53% so với tháng trước, tăng 3,17% so với cuối năm.
Cũng tính đến cuối tháng 4/2021, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước đạt 2.610.000 tỷ đồng, tăng 0,57% so với tháng trước và tăng khoảng 3,01% so với cuối năm 2020; trong đó, dư nợ tín dụng bằng Việt Nam đồng chiếm tỷ trọng khoảng 93% và tăng 2,94% so với cuối năm; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ tăng khoảng 3,97%.
Như vậy, trong 4 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Rõ ràng, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp, các ngân hàng ít nhiều cũng đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn khi khả năng sinh lời kém hấp dẫn hơn so với một số kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản...
Tín hiệu trên cũng cho thấy nếu dư nợ tín dụng và huy động vốn duy trì mức tăng trưởng như hiện tại, nhiều khả năng thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ không còn quá dư thừa như năm 2020.
Trong một báo cáo gần đây của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho biết, do nhu cầu tín dụng gia tăng, lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh trong nửa cuối tháng 4. Tuy nhiên, mức lãi suất vẫn thấp hơn lãi suất OMO nên thị trường mở không phát sinh giao dịch nào mới.
MBS dự báo, lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục tăng dần đến hết tháng 6, thời điểm một lượng thanh khoản lớn đổ vào hệ thống bởi Ngân hàng Nhà nước từ việc mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng bắt đầu được giao.
Ở thời điểm này, lãi suất liên ngân hàng vẫn đang thấp hơn lãi suất OMO của Ngân hàng Nhà nước là 2,5%/năm nên các ngân hàng thương mại có thể vay lẫn nhau trên thị trường mà chưa cần đến sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, để tăng thanh khoản, trong tháng 3, một số ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất huy động từ 10-50 điểm cơ bản đối với khách hàng cá nhân sau một khoảng thời gian dài duy trì ở mức lãi suất thấp.
Tuy nhiên, đà tăng này được ghi nhận chỉ diễn ra cục bộ ở một số ngân hàng. Bước sang tháng 4, lãi suất huy động và cho vay tại các tổ chức tín dụng hầu như không biến động./.