Hy hữu, nhẫn cưới gây gãy và lột toàn bộ da của ngón tay

Anh D.H.X (28 tuổi, trú tại thành phố Đà Nẵng) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng trong tình trạng ngón thứ 4 của bàn tay trái bị lóc da toàn bộ, lòi thịt, gãy xương đốt 2.
Ngón tay bị tai nạn. (Nguồn: Vietnam+)

Chiều 4/6, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho biết bệnh viện vừa cấp cứu một trường hợp tai nạn hy hữu khi đeo nhẫn trên tay, chiếc nhẫn đã cắt đứt làm gãy xương, lột hết cả phần da thịt trên ngón tay.

Anh D.H.X (28 tuổi, trú tại thành phố Đà Nẵng) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng trong tình trạng ngón thứ 4 của bàn tay trái bị lóc da toàn bộ, lòi thịt, gãy xương đốt 2.

Theo như anh X chia sẻ, khi nhảy từ trên xe ôtô xuống anh đã bị mắc chiếc nhẫn trên tay vào móc cột trên xe gây chấn thương.

Qua kiểm tra, quan sát vết thương các bác sỹ nhận định nguyên nhân khiến cho phần da ngón tay bị lóc toàn bộ chính là chiếc nhẫn mà anh D.H.X đang đeo được chế tác quá mỏng; và khi có lực tác động làm cho chiếc nhẫn đứt ra, trở thành vật sắt bén, gây nên các vết thương cho anh X.

Sau khi thực hiên các thủ thuật như rửa sạch, cắt lọc và khâu vết thương cũng như nắn lại xương theo trục thẳng, nẹp cố định; ngón tay anh D.H.X đã lành và cử động lại được.

Thạc sỹ, bác sỹ Hà Nguyên Minh Quang, Trưởng khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình Thần kinh, người trực tiếp điều trị cho anh X cho biết đây là một trường hợp rất hiếm gặp.

Tuy nhiên, để tránh những sự cố không đáng có, người dân nên lựa chọn loại nhẫn có độ dày phù hợp; nhẫn phải vừa vặn với kích cỡ tay, không rộng quá vì sẽ dễ gây vướng, hoặc chật quá vì nếu chỉ cần chấn thương nhẹ ở bàn tay sẽ gây sưng và kẹt nhẫn sẽ rất nguy hiểm cho người đeo nhẫn.

Trước đây, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cũng đã từng phải dùng các biện pháp đặc biệt để cấp cứu cho một trường hợp là một nạn nhân bị tai nạn giao thông, ngón tay đeo nhẫn sưng to lên khiến nhẫn bị mắc kẹt và không thể tháo ra được gây đau nhức.

Qua đánh giá tình trạng của nạn nhân cũng như loại nhẫn, không thể dùng kiềm bấm đứt để tháo nhẫn gây tổn thương, nguy hiểm, bác sỹ đã phải dùng thủ thuật đặc biệt và rất khéo léo để có thể lấy nhẫn ra.

Bằng phương pháp sử dụng thuốc giảm đau cho bệnh nhân, thực hiện quấn chỉ y tế theo chiều xoắn ốc từ đầu đến cuối ngón tay nhằm giảm phù nề, đồng thời luồn sợi chỉ vào phía dưới chiếc nhẫn, bôi trơn và thực hiện thao tác tháo dần dần sợi chỉ, chiếc nhẫn đã tụt ra khỏi ngón tay bệnh nhân thành công.

“Khi gặp sự cố do đeo nhẫn, mọi người thường lo lắng và tìm nhiều cách để cố tháo ra như bôi trơn bằng xà phòng, dầu ăn hoặc thậm chí tìm cách để cắt chiếc nhẫn. Tuy nhiên, một số trường hợp cần phải nhờ đến sự trợ giúp từ các y bác sĩ thì mới có thể lấy nhẫn ra dễ dàng, và hạn chế tối thiểu những tổn thương ở tay cho người đeo.”

Thạc sỹ, bác sỹ Lâm Trọng Cơ, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng chia sẻ thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục