Ngày 26/2, tại thủ đô Athens của Hy Lạp, hàng trăm công nhân cảng đã tổ chức biểu tình nhằm phản đối kế hoạch tư nhân hóa Cơ quan điều hành cảng Piraeus (OLP), đơn vị quản lý cảng lớn nhất của Hy Lạp.
Chính phủ Hy Lạp có kế hoạch tư hữu hóa 67% trong tổng số 74% cổ phần của OLP hiện do nhà nước kiểm soát.
Tuy nhiên, công đoàn OLP cho rằng kế hoạch tư nhân hóa cảng này có thể đẩy hàng nghìn công nhân rơi vào cảnh mất việc làm.
Quốc hội Hy Lạp dự kiến sẽ thông qua các điều khoản bán một phần cảng, bao gồm một trong ba bến bốc xếp container, một bến bốc xếp ôtô, một cảng sửa chữa và hệ thống phương tiện phục vụ hoạt động ra vào của tàu bè.
Từ năm 2008, Tập đoàn vận tải khổng lồ của Trung Quốc Cosco đã ký hợp đồng nhượng quyền với OLP trong 35 năm, theo đó Cosco sẽ nắm quyền kiểm soát tạm thời hai bến bốc xếp container tại Piraeus.
Ngoài ra, OLP có một hợp đồng cho thuê tới năm 2052 phần cơ sở hạ tầng vẫn là tài sản của nhà nước Hy Lạp.
Piraeus, hải cảng quan trọng trên mạch giao thông biển Địa Trung Hải, cùng hàng chục cảng khắp Hy Lạp, trong đó có cảng Thessaloniki, sẽ được tư nhân hóa để đổi lấy gói cứu trợ tài chính của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Theo các điều khoản của chương trình này, Hy Lạp phải huy động 3,5 tỷ euro (4,8 tỷ USD) từ nguồn thu tư nhân hóa năm nay, và tổng cộng 9,5 tỷ euro vào năm 2016./.