Cam kết giải quyết tình trạng người tị nạn dồn ứ ở biên giới

Hy Lạp cam kết giải quyết tình trạng người tị nạn dồn ứ ở biên giới

Hy Lạp cam kết giải quyết tình trạng mắc kẹt người di cư tại trại tị nạn lớn nhất nước ở Idomeni (sát biên giới với Macedonia) trong vòng 1 tuần mà không cần phải sử dụng biện pháp cưỡng chế.
Hy Lạp cam kết giải quyết tình trạng người tị nạn dồn ứ ở biên giới ảnh 1Người di cư bị mắc kẹt tại khu vực biên giới Hy Lạp- Macedonia ngày 9/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hy Lạp ngày 12/3 thông báo nước này đặt mục tiêu giải quyết tình trạng người di cư mắc kẹt trên biên giới với Macedonia trong vòng một tuần.

Phát biểu trên truyền hình Mega TV, Bộ trưởng Hy Lạp chịu trách nhiệm điều phối dòng người di cư Dimitris Vitsas cho biết Athens đang cố gắng thuyết phục người tị nạn tới các trung tâm tiếp nhận khác ở nước này.

Theo ông Vitsas, trong ngày 11/3, khoảng 400 người di cư đã tới các trung tâm tị nạn khác ở miền Bắc Hy Lạp và cuối tuần tới 50.000 điểm tiếp nhận trên cả nước sẽ sẵn sàng đón người di cư.

Ông Vitsas cũng bày tỏ quyết tâm sẽ giải quyết tình trạng mắc kẹt người di cư tại trại tị nạn lớn nhất nước ở Idomeni, nằm sát biên giới với Macedonia trong vòng 1 tuần mà không cần phải sử dụng biện pháp cưỡng chế.

Sau khi một số nước Balkan đồng loạt đóng cửa biên giới để chặn dòng người di cư kéo tới, khoảng 12.000 người tị nạn đã mắc kẹt ở biên giới giữa Hy Lạp với Macedonia và phải sống trong những điều kiện khổ sở.

Để góp phần giải quyết tình trạng này, Liên minh châu Âu (EU) ngày 10/3 cũng đã kêu gọi các nước thành viên tiếp nhận 6.000 người tị nạn/tháng từ Hy Lạp và Italy, động thái được xem là nhằm thúc đẩy những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng di cư được coi là lớn nhất kể từ Đại chiến thế giới lần thứ Hai.

Tuy nhiên, hiện một số nước Balkan vẫn rất cứng rắn trong vấn đề tiếp nhận người di cư. Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz ngày 12/3 đã kêu gọi các nước châu Âu tiếp tục đóng cửa biên giới để ngăn chặn người tị nạn thông qua các tuyến lộ trình khác nhau đổ vào "Lục địa già."

Trả lời phỏng vấn trên báo Hình ảnh Chủ Nhật của Đức, Ngoại trưởng Kurz lên tiếng bảo vệ việc đóng cửa tuyến Balkan, kêu gọi các nước châu Âu tiếp tục đóng cửa biên giới để ngăn người tị nạn tìm các tuyến lộ trình mới vào châu Âu.

Theo ông Kurz, châu Âu cần phải làm tất cả, như các nước nằm ở tuyến lộ trình Balkan đã làm, kể cả dọc tuyến hành lang Italy-Địa Trung Hải.

Ngoại trưởng Áo cũng kêu gọi EU phải hỗ trợ Macedonia trong việc bảo đảm kiểm soát khu vực biên giới của nước này để chặn người di cư.

Cũng liên quan cuộc khủng hoảng người tị nạn, theo báo Tấm gương của Đức ngày 12/3, cảnh sát liên bang Đức được chỉ thị không đưa người tị nạn từ Hy Lạp trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Hai tàu của Đức là "Uckermark" và "Börde“ làm nhiệm vụ tuần tra ngoài khơi Hy Lạp trong khuôn khổ các hoạt động của Cơ quan Biên phòng châu Âu (Frontex) đã nhận được lệnh không đưa người tị nạn từ Hy Lạp hay vùng biển Hy Lạp trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, bởi hành động như vậy là có thể vi phạm luật tị nạn.

Chính phủ liên bang Đức đề nghị hai tàu này có thể đưa người tị nạn vào đất liền và giao cho giới chức Hy Lạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.