Hy Lạp đã hồi sinh sau cuộc khủng hoảng nợ kéo dài 8 năm?

Nhà nghiên cứu chính trị Georges Sefertzis cho biết sau 8 năm khủng hoảng, khả năng tiêu dùng của người dân Hy Lạp đã giảm 40%, với 30% dân số sống trong cảnh nghèo đói và 45% thanh niên thất nghiệp.
Hy Lạp đã hồi sinh sau cuộc khủng hoảng nợ kéo dài 8 năm? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: express.co.uk)

Tuần báo Le Point mới đây bàn về khả năng “hồi sinh” của Hy Lạp trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp dường như đã chấm dứt.

Nhà nghiên cứu chính trị Georges Sefertzis cho biết sau 8 năm khủng hoảng, khả năng tiêu dùng của người dân Hy Lạp đã giảm 40%, với 30% dân số sống trong cảnh nghèo đói và 45% thanh niên thất nghiệp. Những người có công ăn việc làm cũng chỉ được trả lương rất thấp. Phần lớn người dân Hy Lạp không còn sức để tiếp tục "chiến đấu."

Còn theo quan sát của bác sỹ tâm lý Marina Oikonomou, thuộc Viện nghiên cứu sức khỏe tâm thần Athens, sự suy sụp tinh thần đã len lỏi vào từng gia đình khi mà hộ dân nào cũng có một vài người thất nghiệp. Tỷ lệ tự sát và tỷ lệ dùng thuốc an thần để giảm stress (căng thẳng thần kinh) đã tăng 30%.

Hiện trạng nền kinh tế Hy Lạp

Cách đây 3 năm, Hy Lạp đang trên bờ phá sản, nhưng hiện nay quốc gia này đang gượng mình đứng dậy, nhiều người bắt đầu hình dung nền kinh tế Hy Lạp sắp thoát khỏi “đường hầm tối tăm."

Theo tờ báo trên, nhiều công ty khởi nghiệp ra đời, không chỉ nhắm tới thị trường trong nước mà còn hướng ra thị trường quốc tế. Dù theo Stavros Messinis, người sáng lập ra hiệp hội các công ty khởi nghiệp (start-up) Hy Lạp, các công ty mới này không giải quyết được nạn thất nghiệp trên diện rộng nhưng các start-up lại cho ra đời một thế hệ chủ doanh nghiệp mới.

Từ một năm nay, các chỉ số kinh tế của Hy Lạp đã chuyển biến theo hướng tích cực. Một chuyên gia theo dõi sát sao các cuộc thương lượng giữa Athens và Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định Thủ tướng Alexis Tsipras đã làm tốt công việc của mình.

Rất đông du khách quốc tế quay trở lại Hy Lạp và góp phần vực dậy kinh tế nước này. Nếu trong năm 2016, Hy Lạp chỉ đón 27 triệu lượt du khách quốc tế thì theo dự báo, con số này trong năm 2018 sẽ là 37 triệu lượt du khách. Không chỉ du lịch, mà các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, xây dựng hạ tầng cơ sở và năng lượng cũng có cơ hội tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp vẫn ở mức cao 20,8% vào tháng 12/2017, thời điểm gần nhất có số liệu thống kê của nước này. Trong giai đoạn khủng hoảng, hàng nghìn doanh nghiệp tại Hy Lạp đã đóng cửa và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 27,9%, trong đó cứ 10 thanh niên đang tìm việc làm thì có 6 người không thành công.

Bên cạnh đó, số liệu của Ngân hàng trung ương Hy Lạp cũng cho thấy có khoảng 223.000 người Hy Lạp ở độ tuổi 25-39 đã di cư sang các nước giàu hơn trong thời gian từ năm 2008 đến 2013.

Theo nhận định của nhà nghiên cứu chính trị Georges Sefertzis, sau 8 năm không nghiên cứu, không đầu tư, và lượng lớn thanh niên rời bỏ tổ quốc ra nước ngoài kiếm kế sinh nhai, Hy Lạp sẽ phải mất thêm hai năm mới có thể khôi phục chất lượng sản xuất.

Một điểm yếu là công tác tổ chức nhà nước và các cơ quan hành chính công của Hy Lạp. Tại Liên minh châu Âu (EU), Hy Lạp là nước mà người dân phải đóng thuế nhiều nhất nhưng chỉ được hưởng ít dịch vụ nhất. Cải cách nhà nước là một thử thách lớn, vì theo nhà nghiên cứu chính trị Ilias Nikolopoulos, chỉ có 15% công chức Hy Lạp làm việc thực sự, số còn lại chỉ “ăn không, ngồi rồi," "ngồi chơi, xơi nước."

Một cơn ác mộng khác đối với người dân Hy Lạp và các nhà đầu tư nước ngoài là các đạo luật chồng chéo nhau, đôi khi mâu thuẫn nhau.

Tín hiệu lạc quan

Các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ngày 22/6 vừa qua loan báo cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp đã chấm dứt khi nhất trí giảm nợ và giải ngân khoản cuối cùng trong gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro. Hy Lạp dự kiến sẽ rời khỏi chương trình cứu trợ vào ngày 20/8 tới.

Chính phủ Hy Lạp tuyên bố nước này "đang bước sang một trang mới" và người phát ngôn Dimitris Tzanakopoulos của chính phủ nước này khẳng định "người dân Hy Lạp có thể mỉm cười và hít thở trở lại khi vấn đề nợ của quốc gia đã được giải quyết".

Theo các chuyên gia quốc tế, thỏa thuận trên là một bước ngoặt quan trọng đối với khu vực Eurozone sau gần một thập niên kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp đã khiến nhiều người choáng váng vì những khoản chi tiêu vượt tầm kiểm soát. Chính cuộc khủng hoảng này đã dẫn đến ba gói cứu trợ và từng đẩy Eurozone đến bên bờ vực sụp đổ.

[Hy Lạp tuyên bố bước sang trang mới sau khủng hoảng nợ]

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos nhận định: “Chính phủ Hy Lạp vui mừng với thỏa thuận trên, song đất nước cần phải đảm bảo rằng người dân sẽ nhanh chóng thấy được kết quả thực tế, cũng như sự thay đổi về thu nhập của họ."

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đánh giá cao thỏa thuận “rất tích cực” kể trên và cho rằng điều này cho thấy “châu Âu đang tiến lên”, bất chấp những khó khăn gần đây.

Về phần mình, IMF hoan nghênh thỏa thuận nhưng cảnh báo Hy Lạp vẫn cần chú trọng tới vấn đề nợ vay trong dài hạn. Theo thỏa thuận, các bộ trưởng tài chính Eurozone chấp nhận gia hạn thêm 10 năm cho phần lớn trong tổng khoản nợ bắt buộc của Hy Lạp đã vọt lên tương đương 180% GDP. Các chủ nợ khu vực Eurozone cũng đã đồng ý giải ngân 15 tỷ euro (17,5 tỷ USD) để hỗ trợ Hy Lạp rời khỏi chương trình cứu trợ một cách thuận lợi hơn. Điều này cũng giúp Hy Lạp có một vùng “đệm an toàn” trị giá 24 tỷ euro.

Sau một thời gian thực hiện cải cách, nền kinh tế Hy Lạp đã dần ổn định và dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khiêm tốn trong năm 2018. Mới đây, Cơ quan Thống kê Hy Lạp (ELSTAT) cho biết GDP quý 1/2018 của nước này tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu đã điều chỉnh, xuất khẩu của Hy Lạp quý 1 vừa qua tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu các sản phẩm và dịch vụ giảm 2,8%.

Hy Lạp mới lấy lại đà tăng trưởng kinh tế hồi năm 2017, với mức tăng trưởng 1,4% và IMF dự báo kinh tế nước này ước tăng trưởng 2% trong năm 2018.

Trước sự cải thiện về tình hình tài khóa, chính trị ổn định và kinh tế vững dần, các hãng xếp hạng tín dụng trong năm nay đã nâng bậc xếp hạng nợ của Hy Lạp.

Fitch quyết định nâng xếp hạng nợ của Chính phủ Hy Lạp lên một bậc, từ "B-" lên “B” với triển vọng tích cực, nhờ những yếu tố tích cực của nước này như thặng dư ngân sách, tình hình chính trị ổn định hơn và nền kinh tế trong xu hướng tăng trưởng.

Thách thức vẫn còn

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đánh giá cao thỏa thuận của các bộ trưởng tài chính Eurozone về việc sẽ kết thúc chương trình cứu trợ tài chính dành cho nước này trong tám năm qua như một bước đi mang tính “lịch sử," và cam kết “Hy Lạp sẽ từng bước thay thế các biện pháp thắt lưng buộc bụng." Nhưng ông lưu ý rằng người dân Hy Lạp mới chỉ “giành chiến thắng trong một trận chiến chứ không phải cả cuộc chiến."

Sau khi chương trình cứu trợ kết thúc, Hy Lạp sẽ vẫn chịu sự giám sát của các chủ nợ và phải tuân theo các điều khoản nghiêm ngặt hơn hẳn so với các nước khác cũng đã được cứu trợ như Bồ Đào Nha, Ireland và Cyprus.

Hy Lạp đã hồi sinh sau cuộc khủng hoảng nợ kéo dài 8 năm? ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: telegraph.co.uk)

Người đứng đầu Cơ chế giám sát chung (SSM) của ECB, bà Daniele Nouy trước đó cho rằng những nỗ lực của các ngân hàng Hy Lạp đã bắt đầu phát huy tác dụng, nhưng nợ không thanh toán được (NPL) vẫn là một vấn đề gai góc đối với Athens.

Bà Nouy cho hay các ngân hàng Hy Lạp đã dần đạt được tiến bộ trong việc giảm NPL, nhưng giải quyết nợ xấu theo cách bền vững là một nhiệm vụ phải tiếp tục thực thi, và các ngân hàng ở Hy Lạp cần phải hành động nhiều hơn và nhanh hơn nữa.

Các chủ nợ quốc tế đã thông qua ba gói cứu trợ cho Hy Lạp lần lượt vào các năm 2010, 2012, 2015 với giá trị lên tới 260 tỷ euro (khoảng 306 tỷ USD) tổng cộng. Đổi lại, Athens đã buộc phải tiến hành chính sách "thắt lưng buộc bụng" và các cải cách theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế trong các lĩnh vực như năng lượng, hưu trí và lao động. Kể từ đó đến nay, gần 50 cuộc tổng đình công đã nổ ra trên khắp Hy Lạp nhằm phản đối các chính sách khắc khổ của chính phủ nước này.

Theo tờ Le Point, cuộc khủng hoảng kinh tế đã để lại “những vết sẹo sâu" cho Hy Lạp và sẽ phải mất nhiều năm thì những vết sẹo mới có thể phai mờ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.