Ngày 20/2, hàng trăm nông dân Hy Lạp đã đổ về thủ đô Athens để kêu gọi hỗ trợ tài chính sau khi chính phủ nước này chấp thuận việc tổ chức một cuộc biểu tình có trật tự tại đây.
Truyền hình phát hình ảnh một đoàn hàng chục máy kéo có cảnh sát giao thông hộ tống đang di chuyển đến Athens để tham gia cuộc biểu tình vào tối cùng ngày. Trong khi đó, nhiều nông dân khác từ các vùng canh tác nông nghiệp như đảo Crete tới thủ đô bằng xe khách.
Tuần trước, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis đã gặp các nhà lãnh đạo biểu tình và đưa ra một số nhượng bộ.
Ngày 19/2, ông kêu gọi nông dân hạn chế hết mức có thể việc gây gián đoạn các hoạt động do biểu tình.
Nhà lãnh đạo Hy Lạp nhấn mạnh ông hiểu lý do nông dân nước này muốn tổ chức một cuộc biểu tình mang tính biểu tượng ở trung tâm Athens, hưởng ứng các hoạt động tương tự ở thủ đô của hầu hết các nước châu Âu khác.
Tuy nhiên, cho đến nay chính phủ đã đưa ra mọi nhượng bộ có thể, trong đó có đề xuất giảm hóa đơn năng lượng cho nông dân trong 10 năm tới, cũng như cắt giảm thuế giá trị gia tăng VAT đối với các mặt hàng phân bón và thức ăn chăn nuôi từ 13% xuống còn 6%.
Tuần trước, Thủ tướng Mitsotakis cam kết sẽ hỗ trợ tài chính vào cuối tháng cho những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Năm ngoái, sau khi hỗ trợ nông dân từ 2.000 euro (2.150 USD) đến 4.000 USD, chính phủ cam kết sẽ nâng khoản hỗ trợ trong năm nay lên mức từ 5.000-10.000 euro.
Nông dân Hy Lạp bắt đầu tiến hành biểu tình vào tháng trước, một phần do bất bình về tốc độ tái thiết chậm của nhà chức trách sau trận lũ lụt tàn khốc hồi tháng Chín năm ngoái ở Thessaly, trung tâm sản xuất nông nghiệp của nước này.
Bên cạnh đó, Liên đoàn nông nghiệp cho biết chưa nhất trí với các biện pháp bổ sung do chính phủ công bố.
Hoạt động biểu tình của nông dân đang diễn ra trên khắp châu Âu. Người biểu tình huy động máy kéo, lập các chốt chặn giao thông tại Pháp, Đức, Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha và nhiều quốc gia khác.
Nông dân muốn nhà chức trách kiểm soát nhập khẩu, giảm thuế nhiên liệu, giá sản phẩm tốt hơn và nới lỏng các quy định về môi trường của Liên minh châu Âu./.
Nông dân Ba Lan biểu tình tại các trạm kiểm soát biên giới với Ukraine
Người nông dân ở Ba Lan cho rằng việc mở cửa thị trường Liên minh châu Âu (EU) cho nông sản của Ukraine đã khiến giá hàng hóa trong nước giảm và gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh.