Hy Lạp mua 3 tàu khu trục của Pháp, thắt chặt "liên minh vững chắc"

Tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh hợp đồng mua khí tài giữa Pháp và Hy Lạp đánh dấu bước đi đầu tiên hướng tới sự tự trị chiến lược châu Âu.
Tàu khu trục Belharra của Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tàu khu trục Belharra của Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hy Lạp đã quyết định mua 3 tàu khu trục của Pháp, động thái nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Phát biểu tại lễ ký thỏa thuận diễn ra ngày 28/9 tại thủ đô Paris, Pháp với sự tham gia của Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh hợp đồng mua khí tài này đánh dấu bước đi đầu tiên hướng tới sự tự trị chiến lược châu Âu.

Nhà lãnh đạo Pháp mô tả quyết định của Athens là động thái cho thấy sự tin tưởng của Athens vào ngành quốc phòng của Paris.

Về phần mình, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nhấn mạnh đây là một sự kiện lịch sử trong quan hệ Hy Lạp-Pháp và hai bên đã quyết định nâng cấp quan hệ hợp tác quốc phòng song phương.

[Australia xác nhận việc không mua tàu ngầm tấn công của Pháp]

Theo ông Mitsotakis, Hy Lạp và Pháp đã xây dựng "liên minh vững chắc" vượt ngoài những cam kết tương ứng của hai nước với tư cách là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông Mitsotakis khẳng định thỏa thuận mua tàu của Pháp sẽ không ảnh hưởng đến một thỏa thuận hợp tác quốc phòng mà nước này với Mỹ đang thảo luận.

Thủ tướng Mitsotakis cho biết thêm Hy Lạp cũng đang cân nhắc mua thêm một tàu nữa nhằm củng cố lực lượng vũ trang và tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược với Paris.

Một số nguồn tin chính phủ Hy Lạp cho hay hợp đồng mua 3 tàu khu trục cỡ nhỏ Belharra của Pháp trị giá khoảng 3 tỷ euro (3,51 tỷ USD). Trong khi đó, truyền thông Pháp ước tính giá trị thương vụ này vào khoảng 5 tỷ euro.

Trước đó, Hy Lạp đã đặt mua khoảng 24 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp, trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) mua loại máy bay này của Paris./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.