Theo một quan chức cấp cao ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), Hy Lạp sẽ phải chính thức đề nghị kéo dài chương trình cứu trợ để quốc hội tất cả các nước thành viên thông qua trước kỳ nghỉ Giáng sinh bởi một thỏa thuận về tín dụng dự phòng sẽ chưa thể sẵn sàng, do bất đồng về các biện pháp khắc khổ bổ sung.
Sau hai gói cứu trợ có giá trị tổng cộng 240 tỷ euro (300 tỷ USD) kể từ năm 2010 và theo kế hoạch sẽ kết thúc vào ngày 31/12 tới, Hy Lạp muốn trở lại thị trường tài chính từ đầu năm 2015.
Hy Lạp, với nền kinh tế đã tăng trưởng trở lại sau 6 năm suy thoái, muốn kết thúc chương trình cứu trợ mà không cần sự "chống lưng" của các nhà tài trợ sau đó.
Tuy nhiên, ý tưởng này đã gây ra sự hoang mang trên các thị trường tài chính, khiến cho việc duy trì sự hiện diện của bộ ba chủ nợ - gồm Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Trung ương châu Âu - tại nước này là cần thiết.
Khoản tín dụng dự phòng để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp sẽ được lấy từ khoản tiền 1,8 tỷ euro đã được dành ra để tái cấp vốn cho các ngân hàng Hy Lạp và việc sử dụng khoản này sẽ do bộ ba chủ nợ giám sát.
Tuy nhiên, do Hy Lạp và EU vẫn chưa thống nhất được về nhu cầu tài chính của nước này trong năm 2015 nên sẽ không có một thỏa thuận kịp thời về tín dụng dự phòng. Điểm vướng mắc chính hiện nay là về mức thiếu hụt ngân sách của Hy Lạp trong năm tới mà các chủ nợ ước tính là vào khoảng 2-3 tỷ euro (2,5-3,7 tỷ USD).
Các chủ nợ đã yêu cầu Hy Lạp có các biện pháp bổ sung để lấp lỗ hổng ngân sách nhưng Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras ngày 2/12 cho biết chính phủ nước này đã phản bác yêu cầu tăng thuế và giảm lương mà bộ ba chủ nợ yêu cầu, để bảo vệ đà phục hồi còn non yếu.
Sự bế tắc này đã khiến cho việc đạt được sự nhất trí về khoản tín dụng dự phòng trước ngày 31/12 là cực kỳ khó khăn.
Việc gia hạn chương trình gói cứu trợ sẽ cho đôi bên thêm thời gian để tìm được tiếng nói chung trong vấn đề ngân sách và điều này cũng sẽ trì hoãn khoản giải ngân cuối cùng 1,8 tỷ euro trong gói cứu trợ cho Hy Lạp./.