Theo dự kiến, dự án khôi phục khu đô thị trị giá 7 tỷ euro (7,6 tỷ USD) dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2016 và có thể mang về tới gần 1 tỷ euro cho ngân sách đang cạn kiệt của Hy Lạp.
Các kế hoạch liên quan đến dự án này đã bị đình trệ cuối năm ngoái sau khi đảng Syriza lên nắm quyền điều hành đất nước và cam kết dừng mọi nỗ lực nhằm tư nhân hóa các tài sản quốc doanh trong bối cảnh Athens cho rằng tình trạng tham nhũng tràn lan sẽ phải được giải quyết trước khi thực hiện bất kỳ kế hoạch bán tài sản nào.
Hiện tại, trong nỗ lực xin gói cứu trợ tài chính thứ ba của châu Âu và ngăn chặn nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế, đảng Syriza đã thay đổi lộ trình và cam kết theo đuổi dự án kể trên cùng với việc bán các tài sản của chính phủ và cho phép khu vực tư nhân tham gia phát triển các dự án bất động sản thuộc sở hữu nhà nước. Tất cả những giải pháp này nhằm đem đến nguồn thu để giúp Hy Lạp giảm “núi nợ” lên tới 320 tỷ euro và trả nợ cho các quốc gia châu Âu.
Theo các chuyên gia, mục tiêu trên do các đối tác của Hy Lạp đề ra để huy động 50 tỷ euro trong kế hoạch tư nhân hóa. Ông Mujtaba Rahman, Giám đốc châu Âu của công ty tư vấn rủi ro kinh doanh và chính trị Eurasia Group, nói hiện hoàn toàn không có sự lùi bước trong vấn đề liên quan, và đây cũng là "liều thuốc thử đối với tham vọng của Chính phủ Hy Lạp trong tự do hóa nền kinh tế và thúc đẩy các cải cách hướng tới thị trường."
Trong khi đó, Hy Lạp kể từ ngày 20/7 đã bắt đầu áp dụng tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với một loạt hàng hoá (như đường, cacao,…) và dịch vụ từ 13% lên 23%. Kế hoạch trên sẽ tác động trước tiên tới các tầng lớp trung lưu và hạ lưu. Đối với các mặt hàng như nước uống, năng lượng, các mặt hàng thực phẩm chủ lực, nhất là các sản phẩm tươi sống sẽ áp mức thuế giá trị gia tăng 13%.
Cũng trong ngày 20/7, hệ thống các ngân hàng Hy Lạp sẽ mở cửa trở lại sau 3 tuần ngừng hoạt động (từ ngày 29/6), theo đó mỗi người được phép rút tiền tối đa 420 euro/tuần trong mỗi lần rút (thay vì chỉ được rút tối đa 60 euro/ngày như trước đây). Tuy nhiên, phần lớn các biện pháp kiểm soát vốn vẫn được duy trì, bao gồm cả việc ngừng các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài và ngừng mở tài khoản mới.
Sau khi Quốc hội Hy Lạp thông qua gói biện pháp khắc khổ theo yêu cầu của các nước Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) để đổi lấy gói cứu trợ mới trị giá 86 tỷ euro, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 16/7 đã quyết định nâng mức trần Quỹ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho các ngân hàng Hy Lạp lên 900 triệu euro (978 triệu USD), cho phép hệ thống ngân hàng nước này hoạt động trở lại. Theo ước tính, sau 3 tuần đóng cửa các ngân hàng, nền kinh tế nước này thiệt hại khoảng 3 tỷ euro (3,3 tỷ USD), chưa kể tổn thất của ngành du lịch. Theo kế hoạch, ngày 20/7, Hy Lạp phải thanh toán cho ECB khoản nợ trị giá 4,2 tỷ euro./.