Ngày 4/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker kêu gọi Hy Lạp thỏa hiệp với các chủ nợ nhưng khẳng định kịch bản Xứ sở Thần thoại rút khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) không phải là một sự lựa chọn.
Phát biểu tại trường Đại học Leuven ở Bỉ, ông Juncker cho biết Hy Lạp đã phải thực hiện những bước đi quan trọng theo định hướng của EC và EC phải sẵn sàng phản ứng một cách thỏa đáng đối với những bước đi mà Athens buộc phải tuân theo.
Ông Juncker nhấn mạnh mọi người nên hiểu rằng liên minh kinh tế và tiền tệ châu Âu "là không thể thay đổi được" và đó chính là lý do vì sao kịch bản Hy Lạp rút khỏi Eurozone không phải là một sự lựa chọn.
Ông Juncker cảnh báo nếu Hy Lạp rút khỏi Eurozone, khu vực đồng tiền chung duy nhất này có thể sẽ bị phá vỡ.
Về phần mình, Hy Lạp đang gấp rút tìm cách để sớm được giải ngân 7,2 tỷ euro (8 tỷ USD) còn lại, trong gói cứu trợ 240 tỷ euro mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho Athens năm 2010, để trang trải những khoản nợ đáo hạn.
Phó Thủ tướng Giannis Dragasakis có kế hoạch gặp Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong ngày hôm nay (5/5) ở thành phố Frankfurt (Đức) trong khi Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis dự định gặp Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế Pierre Moscovici ở thủ đô Brussels của Bỉ.
Hy Lạp và nhóm "Bộ Ba" nối lại đàm phán về nợ từ ngày 30/4 vừa qua, song hai bên vẫn bất đồng về các kế hoạch của Athens về cắt giảm lương và cải cách thị trường lao động.
Không được giải ngân kịp thời, Hy Lạp sẽ đối mặt nguy cơ vỡ nợ trong vài tuần tới, đồng nghĩa phải kiểm soát tình trạng "chảy máu vốn" tự do hoặc tìm cách rút khỏi Eurozone. Món nợ lớn là 750 triệu euro Athens phải thanh toán cho IMF vào ngày 12/5 tới.
Người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Gabriel Sakellaridis cho biết hiện tại Athens đã đạt nhiều tiến bộ trong đàm phán với các chủ nợ và đang kỳ vọng được giải ngân khoản tiền 7,2 tỷ euro nói trên không phải vào cuối tháng Năm mà "càng sớm càng tốt."
Một quan chức Eurozone yêu cầu giấu tên cho biết các bộ trưởng tài chính Eurozone sẽ rà soát tình hình tại cuộc họp định kỳ vào ngày 11/5 tới và có thể sẽ hành động nhiều hơn nếu các cuộc đàm phán trong tuần này ở Brussels đạt kết quả.
Phát biểu trên kênh truyền hình tư nhân Mega, Bộ trưởng Lao động Hy Lạp Panos Skourletis cho biết IMF đang hối thúc Hy Lạp hủy bỏ từng bước sự hỗ trợ của Nhà nước đối với một số quỹ lương hưu, duy trì mức lương tối thiểu thấp và giảm bớt một số đối tượng nhận lương hưu./.